Ăn uống khoa học dựa vào nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị

Khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng giúp lựa chọn thực phẩm cung cấp năng lượng; chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin, chất khoáng phù hợp cho trẻ.

Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (Recommended Dietary Allowance - RDA) là mức dinh dưỡng mà mỗi người nên tiêu thụ về năng lượng, các thành phần dinh dưỡng cơ bản được coi là đầy đủ giúp cơ thể duy trì sức khỏe.

Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị RDA khác nhau tùy theo giới tính, độ tuổi, mức độ hoạt động thể lực, tình trạng sinh lý. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, khi xây dựng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, các quốc gia còn phải dựa vào khả năng cung cấp thực phẩm, thói quen ăn uống và tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của cộng đồng để các khuyến nghị dinh dưỡng đảm bảo khoa học, phù hợp.

Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, nhu cầu năng lượng cho trẻ 0-5 tháng là 550kcal một ngày; trẻ trai 6-8 tháng là 650kcal, trẻ gái 600kcal... Từ 6-7 tuổi, tùy theo hoạt động ở mức nhẹ, trung bình, nặng mà nhu cầu sẽ khác nhau. RDA ở các quốc gia thường có khuyến nghị về năng lượng, chất dinh dưỡng sinh năng lượng chính gồm chất đạm; bột đường; béo; vitamin, khoáng chất, chất xơ.

Bảng nhu cầu năng lượng từng độ tuổi, đơn vị tính: kcal

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực - Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), đã có nhiều quốc gia đưa ra khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng giúp người dân có lựa chọn thực phẩm phù hợp.

Bác sĩ Ngọc Diệp cho biết, RDA còn có vai trò xây dựng chế độ ăn phù hợp, hạn chế tình trạng thiếu dinh dưỡng dẫn đến suy dinh dưỡng, thấp còi hoặc thừa cân, béo phì. Ví dụ, để không thiếu hụt chất đạm, trẻ trai 6-7 tuổi cần cung cấp 33g mỗi ngày, 8-9 tuổi là 40g, 50g cho trẻ 10-11 tuổi; chất bột đường lần lượt là 210-230g, 250-270g, 290-320g...

Cha mẹ có thể tham khảo RDA để cung cấp thực phẩm tự nhiên (rau, củ, quả, thịt, cá, trứng...) có các nhóm chất cần thiết, năng lượng mỗi ngày cho cơ thể. Với thực phẩm chế biến sẵn, từ RDA, các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra hướng dẫn thực hành; nhà sản xuất đưa ra thông tin dinh dưỡng trên nhãn bao bì thực phẩm (Nutrition information hoặc Nutrion facts).

Bác sĩ Ngọc Diệp cho biết thêm, hiện nay đã có nhiều quốc gia có quy định sản phẩm thực phẩm chế biến công nghiệp phải công bố thông tin về dinh dưỡng với các nội dung cơ bản như năng lượng, thành phần chất đạm, chất béo, chất bột đường, muối, đường, chất béo bão hòa, chất béo trans fat, một số vitamin, một số chất khoáng cũng như tỷ lệ đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng (Percent of daily value - % DV).

Quy định này không chỉ nhằm hỗ trợ người tiêu dùng có thông tin để xây dựng chế độ ăn hợp lý, khuyến khích nhà sản xuất đưa ra sản phẩm cân đối dinh dưỡng, giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn mà còn nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng. Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng đang khuyến khích các nhà sản xuất thực phẩm thực hiện theo thông lệ quốc tế nêu trên.

Hướng dẫn tham khảo nhãn dinh dưỡng trên bao bì

Thông tin dinh dưỡng trên sản phẩm còn gọi là nhãn dinh dưỡng tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Dưới đây là một số hướng dẫn để phụ huynh tham khảo thông tin trên nhãn dinh dưỡng.


Nhãn bao bì sản phẩm cho phụ huynh có thêm thông tin về dinh dưỡng để lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn phù hợp nhu cầu của con.

  • Lượng khẩu phần (serving size): phụ huynh xem khẩu phần ở phía trên cùng của nhãn dinh dưỡng thực phẩm. Đơn vị tính của khẩu phần được chuẩn hóa trên nhãn như gam hoặc một cốc, một gói, một phần ăn... Chẳng hạn, khẩu phần trên sản phẩm này là một cốc (trọng lượng 228g).
  • Tổng năng lượng và năng lượng từ chất béo (calories và calories from fat): trong mỗi khẩu phần của sản phẩm gồm lượng calories mà một khẩu phần ăn cung cấp và lượng calories cung cấp từ chất béo trong sản phẩm. Ví dụ, mỗi khẩu phần cung cấp 250 calo, trong đó có 110 calo từ chất béo.
  • Lượng chất béo (total fat): chất béo của sản phẩm được chia ra thành tổng lượng chất béo (total fat), chất béo chuyển hóa (trans fat) và chất béo bão hòa (saturated fat).
  • Cholesterol và natri (cholesterol và sodium): là những chất cần hạn chế hấp thu, thường có màu vàng, chất khuyến khích hấp thu có màu xanh. Nếu hấp thu nhiều cholesterol và muối có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tăng huyết áp, ung thư... Ví dụ sản phẩm này có cholesterol là 30mg, 470mg natri.
  • Chất bột đường (carbohydrate) và chất đạm (protein): chất bột đường và đạm là những nhóm chất quan trọng hàng ngày. Tổng lượng chất bột đường (total carbohydrate) trong sản phẩm nêu trên còn bao gồm 5g đường (sugar) nhưng không có chất xơ (dietary fiber). Một số quốc gia bắt buộc công bố cholestorol, muối, trans fat, đường vì muối chứa nhiều natri gây tăng huyết áp, đường làm tăng nguy cơ béo phì, trans fat dễ dẫn đến các bệnh tim mạch...
  • Vitamin và chất khoáng: các nhóm chất có màu xanh được khuyến khích hấp thu như vitamin A, vitamin C, canxi (calcium), sắt (iron).
  • Giá trị dinh dưỡng hàng ngày (Percent of daily value, gọi tắt % DV): cho biết sản phẩm cung cấp bao nhiêu % nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị RDA cho cơ thể cho một người trong một ngày.
  • Cách đọc nhãn dinh dưỡng trên bao bì: Bác sĩ Ngọc Diệp chia sẻ, nếu muốn đọc nhãn dinh dưỡng của sản phẩm chế biến sẵn để xem con đáp ứng được bao nhiêu % nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng (RDA), các bậc cha mẹ trước tiên phải biết mức năng lượng theo nhu cầu khuyến nghị của con mình là bao nhiêu, xem trên bao bì công bố thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm; các thành phần như chất đạm, đường, béo...; trọng lượng trong thành phần (có thể tính bằng g, mg...); giá trị dinh dưỡng hàng ngày (% DV) cho biết sản phẩm cung cấp bao nhiêu % nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho cơ thể.

Ví dụ, thành phần sản phẩm có chứa tổng lượng chất béo (total fat), trọng lượng là 12g, tổng lượng chất béo so với nhu cầu khuyến nghị chiếm 18%. Sản phẩm có chứa chất bột đường (carbohydrate), trọng lượng là 31g, tổng lượng chất bột đường (total carbohydrate) so với nhu cầu khuyến nghị chiếm 10%. Chất xơ không có trong sản phẩm (dietary fiber 0%)... Lưu ý, tìm chú thích để biết phần trăm (%) nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị được tính trên mức nhu cầu năng lượng nào nhằm tránh không phù hợp với con mình. Ví dụ trong sản phẩm nêu trên là so sánh với mức năng lượng mỗi ngày 2.000kcal.

Khi sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, phụ huynh thường chưa có thói quen đọc thông tin dinh dưỡng trên sản phẩm mà quyết định dựa trên thích thú của bản thân hoặc sở thích của trẻ, hình thức sản phẩm, quảng cáo, khuyến mãi, thương hiệu... nên có thể chưa chọn thực phẩm khoa học giải quyết vấn đề dinh dưỡng cho con. Phụ huynh nên tham khảo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, tháp dinh dưỡng, nguồn thông tin chính thống, lựa chọn dựa vào tình hình sức khỏe của con.

Cập nhật: 06/11/2018 Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video