Với kích thước 46 tỷ pixel và dung lượng 194 GB, đây là bức ảnh chụp thiên hà Milky Way với độ phân giải cao nhất mà các nhà thiên văn học từng chụp được. Để tạo ra bức ảnh, nhóm các nhà thiên văn học tại Đại học Ruhr - Bochum (RUB), Đức đã phải tổng hợp lại dữ liệu quan sát thiên văn trong suốt 5 năm qua.
Do có dung lượng quá lớn, tới 194GB nên để xem được bức ảnh, các nhà nghiên cứu đã làm ra hẳn một công cụ xem trực tuyến (tại đây). Có thể nói đây gần như là toàn bộ những gì thuộc thiên hà Milky Way mà chúng ta có thể xem từ Trái Đất. Bức ảnh thể hiện khu vực trải rộng 1.323 độ vuông (Area in Square Degrees, đơn vị đo góc khối. Tương tự như góc của hình tròn đo bằng độ, góc khối của một hình cầu đo bằng độ vuông, toàn bộ hình cầu là 41.253 độ vuông, trăng tròn bao phủ khoảng 0,2 độ vuông trên bầu trời khi nhìn từ Trái Đất). Khu vực này lớn hơn khoảng 6.500 lần so với trăng tròn xuất hiện trên bầu trời.
Ảnh chụp màn hình từ trang web xem ảnh.
Để tạo ra bức ảnh, nhóm nghiên cứu sử dụng đài thiên văn tại sa mạc Atacama, Chile, ghép nhiều hình ảnh chụp bầu trời đêm lại với nhau. Bản thân bức ảnh được chia thành 268 phần. Nếu so với những bức ảnh không gian khác thì có vẻ như nó không được nhiều màu sắc lắm. Nguyên nhân là do các nhà khoa học đã sử dụng bộ lọc dải băng hẹp (narrowband filter), chấp nhận không cho nhiều màu sắc đi qua nhưng đổi lại, họ có thể tìm ra được nhiều đối tượng biến động ánh sáng một cách dễ dàng.
Từ bức ảnh tổng hợp này, nhóm nghiên cứu có thể khám phá ra hơn 50.000 đối tượng biến đổi, bao gồm cả những ngôi sao biến quang (variable star, những ngôi sao có độ sáng thay đổi đều hoặc không đều). Đây có thể là do ngôi sao đó đang sượt ngang qua, đi vào quỹ đạo hoặc bị ngôi sao khác che khuất.