Ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử có làm lão hóa da hay không?

Những sản phẩm chăm sóc da được cho là sẽ bảo vệ bạn khỏi ánh sáng xanh. Nhưng sự thật có phải như thế hay không?

Việc sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử khiến nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, lo ngại về tác hại của ánh sáng xanh đối với da mình.

Nhiều nguồn thông tin cho rằng ánh sáng xanh đã trở thành kẻ thù của làn da phụ nữ trong vài năm trở lại đây. Các sản phẩm chăm sóc da vì thế được sản xuất với tác dụng chống lại những tác nhân này.

Nhưng liệu các sản phẩm đó có thực sự hiệu quả hay chỉ là cách tiếp thị nhằm mục đích bán hàng? Chúng ta cùng xem xét những khía cạnh dưới đây:

Ánh sáng xanh là gì?


Ánh sáng xanh có thể dẫn đến lão hóa sớm. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Tia tử ngoại (UV) chủ yếu đến từ ánh sáng Mặt trời, với bước sóng trong khoảng từ 280-400 nanomet. Ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại và các thiết bị điện tử cũng nằm trong dải phổ điện từ.

Điểm khác là ánh sáng xanh hữu hình, bởi có dải sóng từ 450-495 nanomet, trong khi tia UV thì vô hình.

Tiến sỹ Connie Yang, bác sỹ da liễu thẩm mỹ, cho biết: “Mặt trời là nguồn ánh sáng xanh chính. Nhưng màn hình điện thoại, TV, máy tính cũng là những thiết bị tạo ra ánh sáng xanh”.

Ánh sáng xanh có thể ảnh hưởng đến da như thế nào?

Tiến sỹ da liễu David Kim cho biết: “Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng ánh sáng nhìn thấy được (nằm trong khoảng từ 400-700 nanomet), có thể làm tăng sắc tố cho da”.

“Có bằng chứng rằng ánh sáng xanh tím (bước sóng 415 nanomet) làm tăng sắc tố da nhiều hơn ánh sáng đỏ (630 nanomet). Một nghiên cứu khác cũng cho thấy ánh sáng xanh gây ra mẩn đỏ và tăng sắc tố ở da Fitzpatrick loại 3 trở lên” - Tiến sỹ Kim cho biết thêm.

Tiến sỹ-Bác sỹ da liễu Hamdan Adbullah Hamed nhận định ánh sáng xanh có thể dẫn đến lão hóa sớm: "Chúng tạo ra các loại phản ứng oxy, gây ra quá trình oxy hóa và dẫn đến lão hóa sớm, với nếp nhăn và sắc tố xuất hiện không đồng đều".

Tuy nhiên, ông cũng “bật mí” rằng ánh sáng xanh có một số ứng dụng tích cực, chủ yếu để điều trị các tình trạng da như mụn trứng cá và các tế bào tiền ung thư bằng quá trình oxy hóa.

Theo The Zoe Report, ánh sáng xanh phát ra từ thiết bị di động giống với ánh sáng xanh phát ra từ mặt nạ LED (thường được sử dụng để trị mụn trứng cá). Ánh sáng xanh còn được sử dụng để điều trị bệnh chàm và vẩy nến.

Chúng ta có thực sự cần bảo vệ da trước các thiết bị điện tử?

Các chuyên gia đồng tình rằng, bảo vệ làn da khỏi các thiết bị điện tử là điều cần thiết.

“Nếu bạn phải thường xuyên ngồi trước màn hình máy tính, việc chăm sóc da là rất quan trọng. Bạn có thể đầu tư kính chống ánh sáng xanh để bảo vệ mắt khỏi bị tổn hại” - Tiến sỹ Hamed đưa ra lời khuyên.

Kem chống nắng SPF có đủ khả năng chống lại ánh sáng xanh không?

Tiến sỹ Kim cho rằng bộ lọc tia UV trong kem chống nắng cung cấp khả năng bảo vệ chủ yếu khỏi tia UVA/UVB. Nhưng bộ lọc này không có tác dụng với ánh sáng xanh.

Các thành phần bảo vệ chống lại ánh sáng xanh

Theo các chuyên gia, nếu quyết định sử dụng các sản phẩm bảo vệ chống lại ánh sáng xanh, bạn nên tìm kiếm một số thành phần nhất định sau đây:

Chất chống oxy hóa: Hãy tìm chất chứa Vitamin C và E, chiết xuất trà xanh và việt quất, tất cả đều chứa hàm lượng polyphenol cao (hợp chất thực vật chống oxy hóa).

Niacinamide (Vitamin B3): “Chất này có thể giúp giảm căng thẳng và những tổn thương do ánh sáng xanh gây ra, đặc biệt là khi kết hợp với polyphenol” - Tiến sỹ Kim cho biết.

Licochalcone A: Theo Tiến sỹ Kim, đây là thành phần của chiết xuất cam thảo. Nó đã được chứng minh là có tác dụng chống lại ánh sáng xanh.

Oxit sắt: Thường được sử dụng trong kem chống nắng khoáng chất để tạo màu, những chất này đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ chống lại ánh sáng xanh, đặc biệt khi kết hợp với kẽm và titan dioxide.

Cập nhật: 25/11/2023 Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video