Chúng ta đều đã biết thuốc lá có hại, có thể dẫn đến những bệnh như ung thư phổi, vòm họng. Tuy nhiên liệu bạn đã biết yếu tố nào trong thuốc lá thực sự gây ra những tác hại này?
Khi nói về thuốc lá, có lẽ chất nổi tiếng (hoặc tai tiếng) nhất chính là nicotine. Việc được nói đến quá nhiều dễ khiến chúng ta nghĩ rằng nicotine là chất gây hại trong thuốc lá, nhưng thực ra đây chỉ là chất gây nghiện của thuốc. Thứ thực sự gây hại là những hợp chất được tạo ra từ quá trình đốt một điếu thuốc.
Trang thông tin về thuốc lá của chính phủ Canada ghi rõ: trong lá thuốc lá chỉ có khoảng 2500 chất, nhưng trải qua quá trình đốt chúng chuyển hóa thành 4000 chất. Theo trang web của Hội ung thư Hoa Kỳ (ACS) thì trong 4000 chất trên có tới 70 chất có thể gây ra ung thư.
Hàng loạt chất độc hại tồn tại trong khói thuốc lá.
Như có thể thấy trong hình trên, một số chất gây ung thư tiêu biểu bao gồm CO, HCN, Formaldehyde, chì, arsen, benzen… Bạn có thể nhận ra những chất này trong các hóa chất ở thuốc tẩy rửa, diệt sâu bọ hoặc ướp xác. Khi chúng ta hút thuốc, chúng ta đã hít phần lớn các chất này vào theo khói thuốc, và không chỉ người hút thuốc mà những người xung quanh, khi hít phải khói thuốc, cũng phải chịu ảnh hưởng tương tự.
Khói thuốc, bao gồm các chất nói trên, khi bị hít vào sẽ tích tụ qua thời gian thành chất rắn trong đường hô hấp là hắc ín hay nhựa thuốc lá. Hắc ín có đặc điểm là dính và nhầy, khi phủ lên lớp lông mao của phổi sẽ làm giảm chức năng của lông mao (đẩy các dịch nhầy ra ngoài). Như vậy không chỉ dịch nhầy từ khói thuốc, mà các chất có hại khác cũng dễ dàng xâm nhập cơ thể người hút thuốc qua đường hô hấp.
Các chất từ khói thuốc còn có thể qua máu truyền tới các bộ phận khác trong cơ thể, do vậy người hút thuốc không chỉ bị bệnh hô hấp mà còn có nguy cơ về tim mạch, tiểu đường, răng lợi và thậm chí ảnh hưởng cả khả năng sinh sản…
Khói thuốc lâu ngày sẽ bám thành nhựa thuốc lá, tích tụ trong cơ thể.
Không chỉ người hút thuốc, những người xung quanh cũng có nguy cơ về sức khỏe khi hít phải khói thuốc, thường được gọi là "hút thuốc thụ động". Theo số liệu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố năm 2010, có tới 600.000 người chết mỗi năm từ hút thuốc thụ động, trong đó có 165.000 trẻ em. Cần lưu ý chất độc từ khói thuốc không chỉ nằm trong làn khói từ điếu thuốc mà chúng ta nhìn thấy, mà còn có thể ở hơi thở của người vừa hút thuốc, hoặc quanh quẩn trong không khí ở những nơi không gian hẹp. Do vậy chỉ tránh khói từ điếu thuốc thôi cũng là chưa đủ.
Nicotine khi tới não sẽ ra tín hiệu để não tạo ra chất dopamine, tạo cảm giác sảng khoái. (Ảnh minh họa: Quitters' Circle).
Nicotine thì ít gây hại hơn so với những hợp chất nói trên, nhưng nó lại là chất gây nghiện khiến cho người hút thuốc rất khó bỏ. Khi hút thuốc, nicotine có trong khói chỉ mất 10 giây để tới não. Tại đây, các thụ thể (receptor) sẽ tiếp nhận nicotin, sản sinh ra chất dopamine tạo ra cảm giác sảng khoái, dễ chịu cho người hút, làm tăng nhịp tim và còn có thể giảm stress. Tuy nhiên cũng giống như những chất gây nghiện khác, cảm giác này chỉ là tạm thời, và ngay khi nó mất đi cơ thể người hút sẽ có nhu cầu được nạp thêm nicotine để lấy lại cảm giác vừa qua.
Càng hút thuốc lâu, cơ thể càng bị phụ thuộc vào nicotine. Lượng thụ thể nicotine trong não sẽ tăng dần theo thời gian hút, vì vậy những người hút thuốc lâu dài thì những tác dụng mà nicotine đem lại càng ngắn, do vậy họ sẽ liên tục cần hút thêm. Đây là lý do lớn nhất khiến nhiều người nghiện không thể bỏ thuốc lá.
Thuốc lá sở hữu quá nhiều yếu tố gây nghiện, khiến người hút dù biết rõ tác hại cũng rất khó cai thuốc.
Ngoài ra, thuốc lá còn có quá nhiều yếu tố gây nghiện: hiệu ứng gây nghiện của nó khá nhẹ so với các chất kích thích khác nên không gây ảnh hưởng quá lớn tới cuộc sống của người hút; thuốc lá quá rẻ, dễ mua và ít bị xã hội "kì thị" hơn nếu so với các chất kích thích mạnh. Tất cả những yếu tố này tạo nên một chất gây nghiện rất khó bỏ. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và chỉ ra rằng một người trung bình sẽ phải mất trên 10 lần nỗ lực mới có thể bỏ được thuốc!