Những trận chiến của đàn ông đã thúc đẩy quá trình tiến hóa của bàn tay người, khiến nó có hình dạng khác biệt so với những loài động vật linh trưởng khác.
Trong thời kỳ sống trên cây, loài người cần những ngón tay dài để bám chặt vào cành. Song khi con người bắt đầu sống trên mặt đất và đứng thẳng từ 2,9 tới 3,8 triệu năm trước, đôi bàn tay người không phải bám cành nữa. Vì thế hình dạng của chúng bắt đầu thay đổi rất nhanh để tăng mức độ khéo léo.
Bàn tay người tiến hóa để giúp đàn ông chiến đấu hiệu quả hơn.
Mặc dù tinh tinh cũng sống trên mặt đất và dùng tay để thực hiện nhiều thao tác, chúng vẫn sở hữu những ngón tay dài và ngón trỏ nhỏ xíu. Vì thế David Carrier, một nhà sinh học tiến hóa của Đại học Utah tại Mỹ, muốn tìm hiểu nguyên nhân khiến bàn tay người có hình dạng đặc biệt so với các loài động vật linh trưởng khác. Họ đoán rằng cuộc chiến giữa những người đàn ông đã định hướng quá trình tiến hóa của bàn ngay người.
Carrier cùng các nhà khoa học của Đại học Utah yêu cầu 12 võ sĩ đã thi đấu nhiều năm dốc toàn lực để đấm và tát vào bao cát. Nhóm nghiên cứu dùng nhiều thiết bị để đo lực mà bàn tay của nhóm võ sĩ tác động vào bao cát.
Kết quả cho thấy, lực tối đa mà bàn tay người tác động vào bao cát ở hai tư thế đấm và tát là như nhau. Tuy nhiên, khi võ sĩ đấm, những ngón tay được bảo vệ tốt hơn. Ngoài ra, khả năng gây sát thương và làm gãy xương của cú đấm cao hơn hẳn so với cú tát.
"Sau khi con người không dùng tay để leo cây, hái quả, tổ tiên của chúng ta có nhiều lựa chọn hơn trong việc đấm và thao tác. Về mặt hình thái, muốn làm tốt cả hai việc đó, hình dạng của bàn tay phải đặc biệt", Milford Wolpoff, một nhà cổ nhân chủng học của Đại học Michigan tại Mỹ, lập luận. Wolpoff không tham gia nghiên cứu của Đại học Utah.