Những đường gờ kỳ lạ trên mặt trăng băng giá Europa của sao Mộc có thể dẫn vào các hồ chứa nước nông tương tự cấu trúc ở đảo băng Greenland của Trái đất, nơi sự sống dễ dàng tồn tại.
Nghiên cứu mới, dẫn đầu bởi nhà vật lý Dustin Schoeder từ Đại học Stanford (Mỹ), đã mô hình hóa, phân tích, đối chiếu cấu trúc trên Europa với Greenland và xác định những đường gờ hiện rõ trong ảnh chụp Europa của NASA phải là những rặng núi được hình thành từ các túi nước lỏng dưới băng.
Ảnh đồ họa mô tả các hồ ngầm của Europa - (Ảnh: NATURE COMMUNICATIONS)
Theo Science Alert, thế giới tương tự trên Trái đất, sự sống tồn tại - không phải chúng ta, mà là hàng đàn vi sinh vật dễ dàng thích nghi với cuộc sống yên bình trong những hồ ngầm, không cần ánh sáng hay thức ăn thông thường mà có thể tổng hợp năng lượng từ các yếu tố khác.
Đây cũng là tin vui cho các cuộc thám hiểm sắp tới mà NASA dự định triển khai, bởi họ có cơ hội tìm thấy sự sống ngoài hành tinh ở nơi rất gần bề mặt chứ không nhất thiết vất vả khoan xuống một đại dương bị cô lập dưới vỏ băng dày hàng chục km, theo bài công bố trên Nature Communications.
Và nếu khẳng định được sự tương đồng giữa cấu trúc của Europa và Greenland, cũng có nghĩa là nước tồn tại khắp nơi trên mặt trăng này. Mà ở đâu có nước, ở đó có cơ hội vàng cho sự sống.
Europa là một trong những mặt trăng lớn nhất trong Hệ Mặt trời và đã có nhiều bằng chứng về đại dương ngầm được chỉ ra. Nó được NASA coi là một trong những nơi tốt nhất trong Hệ Mặt trời để tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh. Chính tàu Galileo của cơ quan vũ trụ này cũng nhiều lần hứng trọn một cột hơi nước, có khi mang cả vật liệu hữu cơ, phun ra từ bên dưới bề mặt Europa khi nó bay ngang.
Những năm tới, mặt trăng băng giá này sẽ đón tiếp tới 2 chiến binh săn sự sống là JUICE của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) và Europa Clipper của NASA, cả 2 đều mang theo radar xuyên băng.