Bệnh "đầu nước" ở trẻ em

Đầu nước là tên dân gian của bệnh tràn dịch não thất ở trẻ, một dị tật bẩm sinh của hệ thần kinh, biểu hiện là đầu rất to. Nhiều người tưởng rằng bệnh không thể chữa được nên không đưa con đi điều trị.

Điều trị tràn dịch não thất tại BV Nhi đồng 1. (Ảnh: Thanh Niên, VNE)
Bé Sĩ Phúc đã 2 tuổi nhưng không nhận biết được gì, chậm phát triển tâm thần, vận động. Khi đến khám ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, bác sĩ chẩn đoán Phúc bị tràn dịch não thất. Theo thống kê của bệnh viện, loại bệnh này chiếm 80% số ca dị tật ống thần kinh điều trị nội trú tại đây trong vòng 6 năm qua. Bình quân mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận điều trị cho 52 trẻ bị tràn dịch não thất.

Thông thường, dịch não tủy của trẻ vẫn được tiết ra mỗi ngày. Ở trẻ không mắc bệnh, bản thân bộ não tự giải quyết làm cân bằng lượng dịch này. Còn ở trẻ mắc bệnh, não không thể tự cân bằng được, lượng dịch não tủy tiết ra nhiều hơn so với lượng dịch hấp thu vào máu, khiến cho đầu có nhiều nước.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn, khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh có các triệu chứng lâm sàng như: đầu to trên mức giới hạn thông thường; thóp trước (mỏ ác) rộng và căng phồng; đôi mắt luôn nhìn xuống. Nặng hơn, trẻ có thể bị liệt (thường gặp nhất là liệt hai chi dưới), điếc, chậm phát triển tâm thần, vận động... Các triệu chứng nói trên thường xuất hiện sau khi bé sinh được khoảng 1 tháng trở lên.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh đầu nước như: viêm não, viêm màng não mủ, xuất huyết não, xuất huyết não - màng não, sang chấn sản khoa và do bẩm sinh. Phần lớn trẻ mắc bệnh đầu nước vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 là bẩm sinh. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng trẻ em nào, thường gặp là dưới 1 tuổi.

Chữa sớm sẽ tốt đẹp

Do trước đây, việc điều trị tràn dịch não thất còn hạn chế nên hiện nay, phần lớn người dân hiểu sai, cho rằng bệnh không thể chữa trị được. Vì vậy, họ nhiều gia đình có trẻ mắc bệnh cứ để vậy, chỉ khi có người hướng dẫn mới đưa vào viện. Vì thế, số đông trẻ tràn dịch não thất đến Bệnh viện Nhi đồng 1 đã bị bệnh trên một năm.

Bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn cho biết, đến nay, chưa có một loại thuốc nào có thể giúp chữa bệnh đầu nước, việc điều trị chủ yếu là can thiệp ngoại khoa. Một số ít trường hợp không cần điều trị cũng tự khỏi. Tuy nhiên, trẻ có thể bị một số di chứng kéo dài không hồi phục và phần đầu vẫn bị to.

Trong thủ thuật can thiệp, bác sĩ sẽ đặt một ống dẫn lưu dịch não tủy từ đầu xuống ổ bụng. Ống được đặt bên dưới lớp da và giữ lại vĩnh viễn trong người bệnh nhân. Hằng ngày, lượng dịch não tủy tiết ra dư thừa sẽ được dẫn xuống ổ bụng; từ đây dịch sẽ được hấp thu trở lại vào máu.

Nếu điều trị sớm, tình trạng đầu to sẽ được giải quyết; nhưng nếu muộn (thường sau 1 năm), việc phẫu thuật chỉ giúp giải quyết những di chứng do bệnh gây ra, còn tình trạng đầu to không thể giải quyết được vì các mảng xương ở đầu đã đóng lại. Sau khi mổ, bệnh nhi sẽ được tái khám, theo dõi vì ống dẫn lưu dịch não tủy có thể bị tắc nghẽn.

Theo Thanh Niên, VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video