Bệnh sợ xã hội là gì?

Những điều cần biết về hội chứng rối loạn ám ảnh sợ xã hội

Hoàng, 34 tuổi, sống một mình trong căn phòng 12 m2, giao tiếp với thế giới qua máy tính do căn bệnh "sợ người".

Anh rất khó duy trì công việc, chỉ làm được vài tháng lại xin nghỉ do cảm xúc lo lắng, sợ hãi mỗi khi tiếp xúc khách hàng. Hoàng thường xuyên hoảng loạn khi tham dự các sự kiện đông người. Ví dụ đi ăn tiệc ngồi cùng bàn với nhiều người có cả quen lẫn lạ, anh nhanh chóng mất bình tĩnh, tim đập nhanh, chóng mặt và toát mồ hôi, phải tránh ở nơi vắng vẻ để tự trấn an.

Đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương khám, anh chia sẻ với bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc rằng "tôi không thể kiểm soát cảm xúc khó hiểu của bản thân". Ngày 18/9, bác sĩ Thu cho biết kết quả xét nghiệm, kiểm tra tâm lý cho thấy bệnh nhân mắc chứng "ám ảnh sợ xã hội", còn được gọi rối loạn lo âu xã hội (Social Anxiety Disorder, SAD). Đây là bệnh lý sức khỏe tâm thần, được phân loại vào nhóm các rối loạn liên quan đến căng thẳng.

Người bệnh rối loạn ám ảnh sợ xã hội thường lo lắng, sợ hãi và stress cường độ cao khi phải đối mặt với các tình huống xã hội hoặc tình huống mà họ sợ hãi, bao gồm gặp gỡ người mới, tham gia những sự kiện, phát biểu trước đám đông, thậm chí khi gọi điện thoại, mua hàng.

Triệu chứng bệnh gồm: tim đập nhanh, loạn nhịp, bị căng cơ, cảm thấy chóng mặt, đỏ mặt, đổ mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn ọe. Bệnh nhân có xu hướng lo lắng kéo dài trong nhiều tuần trước khi sự kiện bắt đầu, sợ và lo lắng khi bị người khác nhận xét, đánh giá. Một số trường hợp có thể xấu hổ hoặc cảm thấy bản thân bị sỉ nhục.


Người bệnh rối loạn ám ảnh sợ xã hội thường lo lắng, sợ hãi và căng thẳng cường độ cao khi phải đối mặt với các tình huống xã hội. (Ảnh: The Law Of Attraction)

Rối loạn lo âu nghiêm trọng và dai dẳng ảnh hưởng đến tính cách con người cũng như cuộc sống. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy bệnh ảnh hưởng đến khoảng 9% phụ nữ và 7% nam giới, kéo dài trong khoảng 12 tháng, tỷ lệ mắc suốt đời ít nhất là 13%. Hiện Việt Nam chưa có thống kê chính thức về số người mắc bệnh.

Theo Neurosciencenews, rối loạn lo âu xã hội ảnh hưởng đến 40 triệu người Mỹ, biểu hiện ở việc khó chịu với những cuộc tụ tập đông người hay kể cả buổi hẹn cà phê riêng tư. Nghiên cứu tại Đại học George Washington, Đại học Khoa học và Nghệ thuật Columbia (CCAS), hơn 12% người Mỹ mắc chứng rối loạn lo âu xã hội có thể chẩn đoán được vào một thời điểm nào đó trong đời, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng.

Còn khảo sát do China Youth Daily thực hiện năm ngoái tại Trung Quốc cho thấy hơn 80% trong số gần 5.000 sinh viên đại học được hỏi cho biết họ mắc chứng rối loạn lo âu xã hội nhẹ, 12% nói rằng họ không gặp bất kỳ vấn đề gì.

Nguyên nhân của bệnh bên cạnh yếu tố di truyền, còn có thể là môi trường tác động. Sự phổ biến của mạng xã hội và những kết nối trực tuyến khiến hội chứng lo âu xã hội gia tăng, theo các chuyên gia. Nhiều thanh, thiếu niên - độ tuổi vốn rất tò mò và thích khám phá - nhưng từ chối ra khỏi nhà hoặc gặp bất kỳ ai do đã quen với cuộc sống trên mạng. Phụ thuộc giao tiếp online khiến nhiều người không thể mở lời khi ra cuộc sống.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Học viện Hạnh phúc Việt Nam, kể một nữ sinh 17 tuổi ở TP HCM rất hoạt ngôn trên mạng xã hội nhưng thường toát mồ hôi, chóng mặt và luôn tìm cách kết thúc cuộc nói chuyện nhanh nhất khi gặp người lạ. Đi học, cô thu mình và ít khi trò chuyện cùng ai, luôn né tránh những cuộc liên hoan. "Nói chuyện trên mạng an toàn và thoải mái hơn vì không ai nhìn thấy", bà Lan cho biết.

Nhiều người thế hệ gen Z lớn lên một mình, thiếu thốn tình yêu thương hoặc chịu sự bao bọc quá mức của gia đình. Mặt khác, họ gánh những kỳ vọng cao của bố mẹ nên trở nên thu mình. Những sang chấn xã hội, trải nghiệm xấu trong quá khứ hoặc bị phê phán nặng nề trong các tình huống xã hội cũng có thể góp phần làm bệnh xuất hiện hoặc tăng nặng, theo bác sĩ Thu.

Điều trị bệnh cần kết hợp nhiều phương pháp, bao gồm tâm lý trị liệu, thuốc, và thay đổi lối sống (rèn khả năng thích nghi). Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy, CBT) là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho rối loạn sợ xã hội, giúp người bệnh nhận biết và thay đổi niềm tin tiêu cực liên quan đến xã hội.

Người bệnh có thể áp dụng kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn tập thở để giảm căng thẳng, chia các tình huống khó khăn thành phần nhỏ, cố gắng cảm thấy thoải mái hơn với từng phần. Bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần tư vấn và chỉ định dùng thuốc theo đơn.

"Một số mức độ lo âu xã hội là một phần trong cuộc sống. Thích nghi là một quá trình, vì vậy hãy kiên nhẫn, cố gắng và học hỏi từ mọi trải nghiệm xã hội của mình", bác sĩ Thu nói.

Cập nhật: 22/09/2023 VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video