Bí ẩn xung quanh trống đồng Cảnh Thịnh

Bảo vật quốc gia trống đồng Cảnh Thịnh luôn được giới nghiên cứu tìm hiểu hòng tìm ra những bí ẩn xung quanh các họa tiết.


Toàn cảnh bảo vật quốc gia trống đồng Cảnh Thịnh.

Không lâu đời như trống đồng Đông Sơn hay Ngọc Lũ, trống đồng Cảnh Thịnh là hiện vật khảo cổ gần sát thời đại ngày nay nhất. Sau chiến thắng Kỷ Dậu (1789) đại phá quân Thanh, vua Quang Trung đã tập trung phục hồi đất nước, ổn định xã hội.

Khi hoàng đế băng hà (1792), Quang Toản lên ngôi khi mới 10 tuổi. Trong thời gian trị vì, ông đã đặt 2 niên hiệu là Cảnh Thịnh và Bảo Hưng. Những dòng chữ Hán khắc trên trống cho biết thời gian đúc vào tháng 4 năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Thịnh (1800).

Độc đáo kỹ thuật đúc khuôn sáp


Đồ án lá hóa Rồng.

Với hình thức độc đáo và những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là thể hiện sự bảo tồn, phát triển truyền thống đúc và sử dụng trống đồng của người Việt qua hơn hai ngàn năm lịch sử, trống đồng Cảnh Thịnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012.

Đến nay đã 222 năm trôi qua, nhưng những bí ẩn trên trống đồng Cảnh Thịnh khiến hậu thế phải tò mò. Từ hoa văn, họa tiết, mục đích đúc trống cho đến những lời minh văn trở thành tư liệu vô cùng quý báu, không chỉ với giới khảo cổ, mà còn đối với lịch sử dân tộc.

Theo tư liệu của chuyên gia Nguyễn Quốc Hữu - Phó Trưởng phòng trưng bày thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng giai đoạn nhà Tây Sơn đã để lại cho hậu thế những di sản văn hóa đặc sắc. Cùng với đó là những kiệt tác nghệ thuật độc đáo mang dấu ấn thời đại rất rõ nét.

Với kiểu dáng khác lạ so với trống đồng truyền thống cùng những trang trí nổi các con vật trong bộ Tứ linh, trống Cảnh Thịnh trở nên độc đáo. Qua đó phản ánh sự sáng tạo trong nghệ thuật trang trí, kỹ thuật đúc trống cũng như nghề đúc đồng cổ truyền của dân tộc. Trống góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập trống đồng cổ và là nguồn sử liệu có giá trị về lịch sử đương thời.

Theo hồ sơ di sản, trống đồng Cảnh Thịnh được đúc theo kỹ thuật khuôn sáp, nặng 32kg, cao 37,4cm, đường kính khoảng 49cm. Mặt trống cong vồng hình chỏm cầu, tâm mặt trống đúc nổi hình vòng tròn kép. Thân trống hình trụ, phình nhẹ ở giữa và được chia thành ba phần tương đối đều nhau, ngăn cách bằng hai đường gờ nổi hình sống trâu - tương ứng với mỗi phần là một băng hoa văn trang trí.

Ngoài các đồ án phụ trang trí đường diềm như băng hoa chanh, nhũ đinh, hồi văn chữ T và văn như ý, đề tài trang trí chủ đạo trên trống xuất hiện ở hai băng: Băng trên cùng đúc nổi đề tài Tứ linh (long, lân, quy, phượng) mang ý nghĩa biểu trưng cho đất nước thái bình thịnh trị, xã hội an lạc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người được no đủ, sống lâu…

Băng dưới cùng trang trí hình Long Mã cõng Hà đồ, Thần Quy chở Lạc thư. Hà đồ (Tiên thiên bát quái đồ) và Lạc thư (Hậu thiên bát quái đồ) là hai biểu tượng khởi nguyên của Kinh Dịch – tư tưởng triết học của người Á Đông về quy luật của sự biến đổi. Nó được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như vũ trụ, thiên văn, địa lý, phong thủy, nhân mệnh, quản lý xã hội…

Báu vật trống khác biệt


Đồ án chim phượng trên thân trống Cảnh Thịnh.

Theo các chuyên gia thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ở băng hoa văn có hình Thao Thiết. Đồ án Thao Thiết xuất hiện trong nghệ thuật cổ Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên.

Theo truyền thuyết, Thao Thiết là một con vật ham ăn vô độ, thậm chí có thể ăn cả cơ thể mình. Ban đầu, hình trang trí này nhằm ý nhắc nhở việc ứng xử trong ăn uống, về sau trở thành biểu tượng của sức mạnh quyền uy hoặc sự no đủ, bền vững.

Trống đồng Cảnh Thịnh là hiện vật độc bản trong phức hợp trống đồng Việt Nam. Nếu trống đồng Đông Sơn (loại I - Hêgơ, xuất hiện trong khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 3 sau Công nguyên) và trống Mường (loại II - Hêgơ, niên đại kéo dài từ đầu Công nguyên tới thế kỷ 15 - 17) có thân phình thắt tạo thành 3 phần tang, lưng và chân tách biệt rõ ràng, thì trống đồng Cảnh Thịnh được tạo dáng theo kiểu trống da truyền thống.

Cách tạo dáng này khiến cho thân trống chỉ gồm tang trống. Nói cách khác thân trống chính là tang trống. Thân trống nở nhẹ ở giữa, trông hệt một chiếc trống da thường thấy. Mặt trống cũng không có hình Mặt trời như trống đồng truyền thống. Thay vào đó, chính giữa mặt trống cong vồng lên là hai vòng tròn nổi.

Bên cạnh sự độc đáo trong tạo dáng thì nghệ thuật và đề tài trang trí trống cũng thể hiện đặc trưng nghệ thuật mang tính thời đại rất rõ nét. Đó là sự cân đối trong bố cục, sự khỏe khoắn trong đường nét, mảng khối. Đặc biệt, giới khảo cổ cũng phát hiện đề tài Tứ linh và Long Mã, Thần Quy.


Bài minh dài 222 chữ dẫn thuyết lý do, mục đích đúc trống.

Nếu với tư cách là từng linh vật riêng lẻ thì chúng đã xuất hiện từ rất sớm trong nghệ thuật cổ Việt Nam. Tuy nhiên, trống đồng Cảnh Thịnh lại xếp thành bộ Tứ linh và thành cặp Long Mã - Thần Quy mang theo biểu tượng Hà đồ - Lạc thư trên cùng một hiện vật. Điều này chứng minh đây là sự khởi đầu, mở ra giai đoạn phát triển mạnh ngay sau đó trong nghệ thuật thời Nguyễn.

Đáng chú ý trong cách thể hiện các đề tài này là nghệ thuật cách điệu hóa qua đồ án các linh vật - như hình lá hóa Rồng, lá hóa Thao Thiết. Cách điệu là khả năng sáng tạo, điều chế, nâng cao trên cơ sở hiện thực. Việc lấy hoa lá cỏ cây để cách điệu thành các linh vật như trên trống Cảnh Thịnh có thể coi là sự xuất hiện đầu tiên trong nghệ thuật cổ Việt Nam.

Bên cạnh sự độc đáo và những dấu ấn đặc trưng riêng, giới khảo cổ nhận ra những yếu tố mang tính kế thừa, thể hiện bước phát triển liên tục trong nghệ thuật cổ truyền. Có thể dễ dàng nhận ra các băng hoa văn nhũ đinh, hoa chanh, hồi văn chữ T, như ý… là những mô típ phổ biến trong nghệ thuật Lý - Trần - Lê sơ (thế kỷ 11 - 15).

Hình phượng bay ngang, đầu hướng về phía trước, hai cánh dang rộng gợi sự liên tưởng tới hình chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn. Hình vòng tròn kép trên mặt trống là cách thể hiện biến điệu, ước lệ hình Mặt trời nhiều tia trên trống đồng truyền thống trước đó thành hình quầng Mặt trời.

Ngay cả thân trống với việc chia thành 3 phần ngăn cách bằng các đường gờ nổi cũng loáng thoáng gợi ra hình ảnh về 3 phần của thân trống đồng Đông Sơn. Diễn biến này đã được thể hiện trước đó trên trống Mường. Lưng và chân trống Mường được tạo bởi một đường choãi đều liền mạch, nên sự phân tách đã không còn rõ ràng như trống đồng Đông Sơn trước đó - mà chỉ được thể hiện bằng một đường gờ nổi.

Phản ánh rõ nét kỹ thuật đương thời


Đồ đồng (kể cả vũ khí đạn dược) thời Tây Sơn đã minh chứng rõ nét kỹ thuật kim khí đỉnh cao.

Một giá trị đặc biệt khác của trống đồng Cảnh Thịnh chính là phần tư liệu. Những chữ Hán nêu ngày, địa điểm đúc trống đồng. Đó là nhóm chữ: "Đồng cổ tân chú dẫn thuyết", "Đông Ngàn huyện Phù Ninh xã Đại Tự", "Cảnh Thịnh bát niên nhuận tứ nguyệt cát nhật tân chú".

Các dòng lạc khoản khắc trên thân cho biết trống được đúc vào tháng 4 nhuận năm Cảnh Thịnh thứ 8 thời Tây Sơn (1800) tại Chùa Cả (Linh Ứng tự), xã Phù Ninh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (tức Chùa Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay).

Đặc biệt, một bài minh dài trên 200 chữ dẫn thuyết lý do, mục đích đúc trống nói về người trong xã là bà Nguyễn Thị Lộc, vợ của Tổng Thái giám Giao quận công vào năm Vĩnh Hựu thứ 2 đời vua Lê Ý Tông (1736) đã tập phúc góp công dựng chùa Linh Ứng.

Ghi nhớ công lao của bà, nhân dân xã Phù Ninh đã cùng nhau đóng góp công sức, tiền của để đúc trống và những đồ thờ khác dâng lên ban Phật để lưu truyền, nhắc nhở con cháu đời sau luôn ghi nhớ công đức của tiền nhân.

Với kiểu dáng khác lạ so với trống đồng truyền thống cùng những trang trí nổi các con vật trong bộ Tứ linh, trống Cảnh Thịnh trở nên độc đáo, phản ánh sự sáng tạo trong nghệ thuật trang trí, kỹ thuật đúc trống cũng như nghề đúc đồng cổ truyền. Trống góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập trống đồng cổ và là nguồn sử liệu có giá trị về lịch sử đương thời.

Mặc dù vậy, trống đồng Cảnh Thịnh không phải trường hợp ngoại lệ. Thời đại Tây Sơn tuy ngắn ngủi chỉ hơn 10 năm trời (1789 - 1802), nhưng đã để lại một nền mỹ thuật có những dấu ấn riêng. Nền mỹ thuật này phá bỏ những chuẩn mực cũ, đưa những nguyên mẫu đời thường vào nghệ thuật nhiều hơn.

Cập nhật: 10/11/2022 GDTĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video