Đi ngược thời gian về kỷ Devon, thời đại thảm khốc nhất với hàng loạt cuộc đại tuyệt chủng, các nhà khoa học đã xác định được thủ phạm vô cùng bất ngờ, là thứ vẫn tồn tại trên Trái đất ngày nay.
Theo Sci-News, quái vật không ai ngờ đến đó, chính là cây cối, mà cụ thể là các rễ cây. Sử dụng một loạt hồ sơ hóa thạch và địa chất, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Giáo sư Gabriel Filippelli từ Khoa Khoa học Trái đất thuộc Trường Đại học Indiana (Mỹ) chỉ ra chính sự tiến hóa của rễ cây từng nhiều lần làm cả hành tinh trở nên không thở nổi.
Khai thác trầm tích cổ từ một số hồ cổ ở Greenland, miền Bắc Scotland và Orkney, các tác giả phát hiện giá trị tăng cao của phốt pho dinh dưỡng ở 5 vị trí khác nhau trong quá trình phát triển và mở rộng của thực vật trong kỷ Devon (419 đến 358 triệu năm về trước).
Thứ khiến 70% sinh vật tuyệt chủng trong kỷ Devon chính là thực vật - (Ảnh: Eduard Riou / Rursus).
Theo bài nghiên cứu được công bố trên Geological Society of America Bulletin, trong 2 trường hợp, sự tăng cao đó trùng khớp với 2 sự kiện tuyệt chủng ở kỷ Devon. Ngoài ra các sự kiện này còn gắn liền với chu kỳ khí hậu, cụ thể là các chu kỳ ẩm ướt và vắng bóng trong các chu kỳ khô hạn.
Phốt pho dinh dưỡng này sẽ được cung cấp cho đại dương, kích thích các thực vật ở đó phát triển mạnh mẽ hơn, mà chủ yếu là tảo.
Nó khá giống với việc tảo lan rộng và nở hoa hàng loạt do các chất thải mang dinh dưỡng phù hợp với tảo từ hoạt động của con người, đang gây báo động ở khắp nơi trên thế giới.
Tảo phát triển quá độ sẽ hút cạn nguồn oxy trong nước, biến nước quanh đó thành vùng chết. Ở một quy mô rộng lớn hơn trong kỷ Devon, kết hợp với việc sinh vật Trái đất thời đó vẫn còn chọn đại dương làm nơi trú ngụ, đã khiến 70% sự sống bị tiêu diệt trong 6 cuộc đại tuyệt chủng thảm khốc của kỷ này.
"Những hiểu biết mới về kết quả thảm khốc của các sự kiện tự nhiên trong thế giới cổ đại có thể là lời cảnh báo về các điều kiện tương tự phát sinh từ hoạt động của con người ngày nay" - Giáo sưu Fillipelli cảnh báo.