Sau khi các cặp cá ngựa giao phối, cá ngựa đực phải làm công việc nặng nhọc đó là mang thai chứ không phải cá ngựa cái.
Đặc biệt hơn, các nhà khoa học trước đó vẫn chưa biết làm thế nào những phôi thai của cá ngựa con được nuôi dưỡng.
Gần đây, trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Sinh lý học so sánh, các nhà nghiên cứu tuyên bố đã phát hiện ra bí mật đằng sau việc cá ngựa đực mang thai. Thực sự những người cha chăm chỉ nhất trong thế giới tự nhiên này đã nuôi rất nhiều con của chúng.
Dẫn đầu nhóm nghiên cứu là Zoe Skalkos đến từ Đại học Sydney (USYD) với sự hợp tác của tiến sĩ James Van Dyke tại Đại học La Trobe và tiến sĩ Camilla Whittington từ Trường Khoa học Đời sống và Môi trường của USYD.
Cá ngựa là loài động vật có xương sống duy nhất được khoa học biết đến có biểu hiện “mang thai đực”.
Nhóm nghiên cứu này đã bổ sung thêm sức nặng cho các bằng chứng di truyền hiện có về vai trò của cá ngựa đực trong việc nuôi dưỡng phôi thai đang phát triển. Đây cũng là bằng chứng thực nghiệm đầu tiên về khái niệm cha truyền chất dinh dưỡng cho con.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã so sánh trọng lượng khô của trứng cá ngựa hoặc trứng vừa được thụ tinh, với trứng của những con sơ sinh đã phát triển đầy đủ và xem xét hàm lượng lipid từ khi bắt đầu đến kết thúc quá trình phát triển của phôi.
Kết quả cho thấy nguồn tài nguyên đang được sử dụng hết bởi các phôi đang phát triển có nguồn gốc từ cá ngựa đực.
Cá ngựa thuộc một nhóm được gọi là cá syngnathid, cùng với cá ống và rồng biển, chúng là loài động vật có xương sống duy nhất được khoa học biết đến có biểu hiện “mang thai đực” kì lạ.
“Công trình này cung cấp thêm các bằng chứng cho thấy quá trình mang thai đực ở cá ngựa có thể phức tạp tương tự như quá trình mang thai với con cái ở các loài động vật khác, bao gồm cả con người.
Chúng tôi biết rằng cá ngựa bố có thể vận chuyển chất dinh dưỡng cho con trong quá trình mang thai và chúng tôi cho rằng chúng làm điều này thông qua nhau thai.
Tuy nhiên, nó không hoàn toàn giống nhau thai người. Để rõ hơn, chúng ta cần làm thêm một số nghiên cứu nữa", tiến sĩ Whittington cho biết về kết quả nghiên cứu.