Bí quyết nhịn thở của những nàng tiên cá ở Mỹ

Những nàng tiên cá ở công viên Weeki Wachee Springs có thể nhảy múa suốt 30 phút dưới nước nhờ luyện tập và sử dụng ống dẫn khí mềm.

Khán phòng ở công viên Weeki Wachee Springs tại bang Florida, Mỹ, nằm ở độ sâu 5 mét dưới mặt đất, theo Washington Post. Những băng ghế bằng gỗ dài quay về phía một bức tường kính dày. Che ngoài tường kính là tấm rèm xanh, trông giống bộ đồ bơi xếp nếp. Nhưng 3 - 4 lần mỗi ngày, tấm rèm sẽ được nâng lên, hé lộ làn nước trong xanh sau tường kính.

Gờ tường nhô ra và khe hở dài 6 mét, rộng 1 mét hạ xuống, cho phép khoảng 454 triệu lít nước tràn vào bể mỗi ngày. Rùa mai mềm, cá đối hoặc cá nhái sẽ bơi qua tường kính, sau đó là nàng tiên cá. Họ là những phụ nữ mang đuôi giả lóng lánh nhiều màu mặc qua đùi, đồng diễn dưới nước và bộc lộ sự biến đổi ấn tượng của cơ thể khi cần nhịn thở trong suốt thời gian trình diễn.

Một trong những thành viên mới nhất trong nhóm tiên cá là Paisley, thiếu nữ 19 tuổi đến từ Indialantic, Florida. Paisley là nghệ danh của cô. Những nàng tiên cá không công khai họ tên để giữ vẻ kỳ bí và cũng để tránh bị rình rập.


Các nàng tiên cá ở công viên Weeki Wachee Springs có thể ở dưới nước suốt 30 phút. (Ảnh: Flickr).

Mỗi ngày, Paisley thức giấc như thường lệ. Nhưng khi khoác trang phục biểu diễn lên mình, cô sẽ biến thành một người khác, có thể ở dưới nước 30 phút trong toàn bộ buổi diễn mà không cần nổi lên. Paisley bơi lội trong dòng nước và khi cần thở, cô hít oxy từ ống mềm nối với gờ tường.

Paisley chưa từng thi bơi, làm vũ công hay bất cứ công việc nào có thể giúp cô nhảy múa dưới nước. Nhưng cô là người Florida gốc và những cô gái Florida bơi rất giỏi. Do đó khi được bạn cùng lớp đại học giới thiệu về buổi thi tuyển, Paisley đã tham gia.

Bài kiểm tra đầu tiên là bơi 200 mét, 100 mét xuôi theo dòng nước sông Weeki Wachee và 100 mét ngược dòng. Sau đó, Paisley phải lặn xuống trước cửa sổ khán phòng, mỉm cười và vẫy tay. "Họ chỉ thử xem bạn trông có thoải mái khi ở dưới nước không. Để chắc chắn bạn không nhăn mặt", Paisley chia sẻ.

Sau đó, các nhà tuyển dụng chỉ cho Paisley những động tác của nàng tiên cá để cô biểu diễn lại dưới nước. Người quản lý cũng muốn xem cô có thể nhịn thở tự nhiên trong bao lâu. Ở buổi thi tuyển, Paisley nhịn thở được 30 giây. Huấn luyện viên có thể chấp nhận mức đó vì họ biết cơ thể Paisley sẽ thay đổi theo thời gian cô trở thành nàng tiên cá.

Đóng vai nàng tiên cá mà không nhô lên mặt nước hoặc dựa vào thiết bị hỗ trợ thở là nét đặc sắc của công viên Weeki Wachee từ những ngày đầu. Phương pháp thở dựa vào ống mềm được phát triển vào thập niên 1940 sau khi Newton Perry, người từng đào tạo người nhái cho Hải quân Mỹ, mua lại khu giải trí. Perry thử nghiệm những cách để con người có thể hít thở không khí mà không cần đeo bình dưỡng khí trên lưng. Cuối cùng, ông quyết định lắp các ống mềm dẫn không khí từ máy nén.

Trong vòng vài tháng đầu tiên, trước khi thực sự bắt đầu trong vai nàng tiên cá, Paisley phải lấy chứng chỉ lặn có bình khí nén, chứng chỉ hồi sức tim phổi và chứng chỉ cứu hộ. Sau đó, Paisley phải bắt đầu làm quen với việc ở lâu dưới nước. Paisley sẽ nhảy xuống nước thông qua ống hình trụ bên dưới phòng thay đồ và luyện tập một phần màn đồng diễn. Cô phải liên tục nổi lên mặt nước, hít thở và lặn xuống.


Các nàng tiên cá không cần nhịn thở lâu hơn 40 giây nhờ ống mềm dẫn khí oxy từ máy nén. (Ảnh: AFP).

Khi đã lấy đủ chứng chỉ, Paisley tập sử dụng ống mềm. Huấn luyện viên chỉ dẫn cô xuống nước, hít oxy qua ống mềm và ở dưới nước trong 5 phút mà không nổi lên. Khi hít từ ống, oxy lấp đầy phổi phổi Paisley và cô nổi lên. Khi Paisley thở ra, cô chìm xuống. Không lâu sau, Paisley luyện tập các động tác của nàng tiên cá trong khi khép chân. "Tôi mất một tháng trước khi có đuôi. Đó là một bước ngoặt lớn. Cảm giác giống như trở thành nàng tiên cá thực sự", Paisley chia sẻ.

Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc ở liên tục dưới nước, thở từng hồi không liên tục và biểu diễn bên cạnh những con rùa. Đầu tiên là mức giới hạn cho thời gian nhịn thở. Các nghiên cứu đã xác định mốc thời gian an toàn đối với những vận động viên bơi đồng diễn. Theo Teresa Alentejano, huấn luyện viên bơi đồng diễn nổi tiếng thế giới kiêm nhà nghiên cứu sinh lý, một công trình năm 1995 kết luận mức giới hạn là 40 giây. Nhờ ống mềm, các nàng tiên cá không bao giờ phải nhịn thở lâu hơn mức đó.


Nàng tiên cá phải có đủ chứng chỉ và trải qua quá trình luyện tập kéo dài nhiều tháng trước khi được tham gia biểu diễn. (Ảnh: Flickr).

Jim Chimiak, giám đốc y khoa của tổ chức phi lợi nhuận Divers Alert Network, bơi ở độ sâu 6 mét không đáng ngại. Áp lực nước, nơi các nàng tiên cá biểu dẫn, chỉ gấp 1,5 lần áp lực đối với cơ thể người khi ở trên cạn, do đó không cần giảm áp. Tuy nhiên, thợ lặn cần chú ý giữ cho áp lực ở tai giữa và ống tai cân bằng thông qua động tác nuốt để tránh bị tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Cơ thể của các nàng tiên cá có thể không kịp khôi phục lượng dầu tự nhiên bị nước rửa trôi. Vết rách hoặc nứt nẻ trên da có thể kéo theo nhiễm khuẩn. Họ cũng cần bổ sung nước đầu đủ bởi mỗi lần xuống nước sẽ khiến họ đi tiểu nhiều hơn thường lệ.

Nhịp tim của vận động viên bơi đồng diễn giảm nhanh khi họ bắt đầu nhịn thở, dù họ đã trải qua quá trình luyện tập. Đó là cách cơ thể tự đánh lừa để thở ít hơn. "Khi nhịp tim thấp hơn, cơ thể hiểu rằng cần ít oxy hơn và do đó cần cung cấp ít oxy hơn", Alentejano giải thích.

Cập nhật: 19/06/2018 Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video