Bí quyết thai nghén an toàn và sinh con khỏe mạnh

Trước khi quyết định sinh con, hãy tìm hiểu lịch sử bệnh tật của gia đình và bản thân, vì có thể 2 bạn đang mang một bệnh di truyền nghiêm trọng. Với những bệnh này, một khi đã thụ thai thì không còn phòng ngừa được nữa.

Những phụ nữ nào cần được chăm sóc từ trước khi thụ thai?

Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là những người bị bệnh tiểu đường, đái ra chất xêton (phenylketonuria), một số bệnh nhiễm khuẩn hay di truyền. Sảy thai tự nhiên có thể xảy ra cho khoảng 25% số ca thai nghén ở người bị các bệnh này.

Tại sao những hiểu biết về sự phát triển thai nhi lại quan trọng?

Vì nó giúp bạn không rơi vào tình trạng đã quá muộn. Khi bạn nhận thấy mình chậm kinh thì tinh trùng đã thụ tinh cho trứng rồi (thông thường là 17 ngày) và một mầm sống đang phát triển rất nhanh trong bạn. Các tế bào của mầm sống ấy đang biệt hóa để tạo thành tim và nhiều cơ quan khác. Trong thực tế, phần lớn sự tạo thành các cơ quan của thai diễn ra trong 3 tháng đầu sau khi thụ tinh. Tim thai nhi bắt đầu đập sau tuần lễ thứ 4. Khoảng tuần lễ thứ 8 đã có thể nhận biết được mắt, tai, mũi, miệng, các ngón tay chân và ngón cái của thai nhi. Và đến khoảng tuần thứ 12 thì hầu hết các cơ quan quan trọng đã thành hình. Chính trong giai đoạn sớm của sự tạo thành các cơ quan này, thai nhi rất dễ bị tổn thương bởi các loại thuốc, bởi virus, các hóa chất và nhiều tác nhân khác, dẫn đến khuyết tật.

Ý nghĩa của việc tìm hiểu lịch sử bệnh tật của gia đình và bản thân?

Bạn hay chồng bạn có thể đang là người mang một bệnh di truyền nghiêm trọng. Trong trường hợp đó, bạn sẽ được tư vấn để giảm nguy cơ truyền bệnh cho con. Một khi đã thụ thai thì không còn phòng ngừa được nữa. Thầy thuốc cũng cần biết tiền sử sinh đẻ của bạn (với những người đã từng có thai), ví dụ số lần bị sảy, đẻ non, khó khăn trong thụ thai hay những vấn đề về sản phụ khoa để có biện pháp phòng ngừa cho những kỳ thai nghén sau. Dựa trên những dữ liệu thăm khám và lịch sử sinh đẻ, bệnh tật, thầy thuốc sẽ giúp bạn có nhiều cơ may sinh con khỏe mạnh hơn.

Tư vấn về gene học và phát hiện những bất thường liên quan đến gene có thực sự cần thiết không?

Cải thiện chất lượng dân số đang là vấn đề được quan tâm ở các nước phát triển cho nên công việc này cũng rất được chú ý... Đây là cách tiếp cận theo hướng ưu sinh học, nghĩa là hoàn thiện chất lượng nòi giống của các thế hệ tương lai, cả về mặt thể chất lẫn tâm trí. Nếu thầy thuốc nghi ngờ bạn mang một bệnh di truyền nào đó thì nhiều thăm dò về gene sẽ được tiến hành cho bạn; và nếu đã có thai thì cho cả thai (nhờ xét nghiệm mẫu nước ối và gai rau). Hiện nay có hơn 1.500 bệnh do gene. Nhiều bệnh nghiêm trọng về gene liên quan đến chủng tộc.

Ngoài các bệnh về gen, còn phải đề phòng những bệnh gì?

Bệnh tiểu đường type 1 (phụ thuộc vào insulin) cần phát hiện trước khi có thai. Nếu kiểm soát được tốt đường huyết trong suốt thời kỳ thai nghén thì có thể giảm nguy cơ sinh con dị dạng bẩm sinh và tránh biến chứng cho mẹ.

Có nhiều bệnh làm cho thai nghén trở thành nguy cơ đối với mẹ. Ví dụ, bệnh rubella và viêm gan B có thể ảnh hưởng đến thai, do đó cần tạo miễn dịch (tiêm chủng) để phòng ngừa hai bệnh này ngay từ khi chưa có thai. Nếu mắc bệnh trong giai đoạn đầu của thai nghén thì rubella có thể gây tổn thương cho mắt, tai và tim của thai nhi. Viêm gan B thường lây qua đường tình dục, cũng có thể truyền từ mẹ sang thai và trẻ đẻ ra có thể trở thành người mang bệnh và có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan.

Thầy thuốc có thể cho làm nhiều thăm dò khác để phòng ngừa những nguy cơ cho thai khi nhận thấy bạn có nguy cơ gây nhiễm bệnh. Ví dụ, bạn hay nuôi mèo và thường tiếp xúc với thịt sống thì cần phát hiện bệnh toxoplasmosis... Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, giang mai, chlamydia, HIV/AIDS...) cần được điều trị từ trước khi có thai.

Chế độ ăn và thuốc men có tác dụng phòng ngừa những ảnh hưởng xấu cho thai như thế nào?

Ngay khi bạn dự định có thai, bác sĩ đã cần nói cho bạn biết những tác dụng có hại của một số thuốc thông thường. Ví dụ, thuốc trị trứng cá Accutne không nên dùng vì có thể tăng nguy cơ dị tật cho thai; hoặc dùng quá nhiều vitamin A, B6, C, D, E, K, chất sắt, kẽm, selenium... có thể có hại cho thai nghén.

Bổ sung axid folic hằng ngày là cách tốt nhất để bảo vệ hệ thần kinh cho đứa con đang dự định của bạn, giảm nguy cơ thai bị dị tật ở cột sống, nhất là khi được sử dụng sớm khi mới có thai và với những phụ nữ có tiền sử sinh con có khuyết tật ở ống thần kinh. Thầy thuốc cũng sẽ khuyến cáo về tác hại của rượu, thuốc lá và những thứ gây nghiện khác đến thai - đây cũng là những tác nhân có hại thường thấy nhất và cũng dễ tránh nhất. Những thứ này có thể gây đẻ non, con đẻ ra nhẹ cân, chậm phát triển tâm trí, dị dạng mặt và nhiều dị tật khác.

Tóm lại, chăm sóc ngay từ khi chưa thụ thai không chỉ là tư vấn mà còn là can thiệp tích cực theo hướng dự phòng. Đối với một số trường hợp, việc đi đến đơn vị quản lý thai nghén khi đã có thai nhiều khi cũng là quá muộn.

BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống

Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video