Tiếp tục khám phá phần II của bài viết để tìm hiểu xem bộ não của những thiên tái có khác gì so với bộ não của những người bình thường.
>>> Bộ não của các thiên tài hoạt động như thế nào? (1)
Trong phần I của bài viết, chúng ta đã được biết cách thức hoạt động của bộ não và mối liên quan giữa trí thông minh và bộ não con người. Trong phần tiếp theo này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem bộ não của những thiên tài có khác gì so với bộ não của những người bình thường.
Thiên tài và trí thông minh
Giống như vấn đề xác định thiên tài, trí thông minh có thể rất khó khăn để định lượng. Các nhà tâm lý học và thần kinh học nghiên cứu rất nhiều về trí thông minh của con người. Có hẳn một lĩnh vực nghiên cứu, được gọi là tâm lý lượng học, được dành cho việc nghiên cứu và đo lường trí thông minh. Nhưng ngay cả trong lĩnh vực đó, các chuyên gia không phải lúc nào đồng ý với các kết quả phân tích. Và mặc dù trí thông minh là một phần quan trọng làm nên một thiên tài, không phải tất cả các thiên tài đều đạt điểm cao trong bài kiểm tra trí thông minh hoặc đạt kết quả tốt ở trường.
Kiểm tra trí thông minh đã tồn tại hàng ngàn năm. Hoàng đế Trung Hoa đã sử dụng bài kiểm tra năng lực để đánh giá thuộc hạ vào những năm 2200 trước công nguyên. Bài kiểm tra IQ bắt đầu xuất hiện gần cuối thế kỷ 19. Ngày nay, bài kiểm tra chỉ số IQ thường kiểm tra khả năng ghi nhớ của một người cũng như khả năng ngôn ngữ, không gian và khả năng toán học. Về lý thuyết, các kiểm tra này đo lường một khái niệm hoặc yếu tố được gọi là G. Bạn có thể nghĩ G như một đơn vị đo lường hoặc một cách thể hiện số lượng trí thông minh mà một người có.
Kiểm tra chỉ số IQ cũng được tiêu chuẩn hóa nên hầu hết mọi người đều đạt được điểm từ 90 đến 110. Khi được đặt trên một đồ thị, các điểm kiểm tra chỉ số IQ của số đông nói chung sẽ giống như một đường cong hình chuông, với hầu hết mọi người đạt được điểm trong phạm vi trung bình. Vì vậy, một nhận thức chung là bất cứ ai được điểm cao hơn một số nào đó - thường là 140 - tự động người đó sẽ là một thiên tài. Nhưng bất chấp sự tồn tại về thông số IQ đó, nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng không có những điều như chỉ số IQ của thiên tài.
Nhiều nhà giáo dục và nghiên cứu thấy rằng việc kiểm tra IQ chỉ đúng với việc dự đoán khả năng học tập của một học sinh tại trường. Các trường học thường sử dụng các bài kiểm tra để xác định các học sinh để đưa vào các lớp học giáo dục năng khiếu hoặc đặc biệt. Hầu hết các trường cao đẳng và các trường đại học và một số công ty cũng sử dụng các bài kiểm tra như một phần của quá trình tuyển dụng.
Tuy nhiên, mặc dù rất thịnh hành nhưng những bài kiểm tra này cũng không được đánh giá cao. Nhìn chung, một số dân tộc thiểu số và những người có mức thu nhập thấp thì thường có xu hướng đạt điểm thấp hơn so với những người từ các nhóm chủng tộc và kinh tế khác. Các nhà phê bình cho rằng điều này làm cho bài kiểm tra IQ không hợp lệ hoặc không công bằng. Những người khác cho rằng những bài kiểm tra này chỉ ra bất công và định kiến trong xã hội.
Thêm vào đó, một số nhà nghiên cứu và các nhà lý thuyết cho rằng các khái niệm về G là quá hạn chế và không thực sự cung cấp một cái nhìn đầy đủ về trí thông minh của một người. Các nhà nghiên cứu cảm thấy trí thông minh là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một lý thuyết mà cố gắng cung cấp một cái nhìn đầy đủ hơn về trí thông minh là lý thuyết đa trí tuệ (MI) của Howard Gardner. Theo Gardner, có 7 loại trí thông minh:
- Trí thông minh về toán học/logic (mathematical/logical): những người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua các lập luận logic, thích toán học, lập trình, chơi xếp hình,…
- Trí thông minh về ngôn ngữ/lời nói (verbal/linguistic): những người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua việc nói và viết, thích đọc, chơi ô chữ,…
- Trí thông minh về thị giác/không gian (visual/spatial): những người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua hình ảnh, đồ vật, sử dụng tốt bản đồ và định hướng tốt trong không gian,…chúng ta không nên nghĩ rằng trí thông minh này chỉ gắn với thị giác vì Gardner tin rằng đối với các trẻ em khiếm thị thì trí thông minh về không gian này cũng phát triển.
- Trí thông minh về vận động (bodily/kinesthetic): những người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua cách vận động và sử dụng động tác, cảm thấy thích thú khi vận động cơ thể, chơi thể thao…
- Trí thông minh về âm nhạc/giai điệu (musical/rhythmic): những người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua các giai điệu, âm nhạc, thích chơi nhạc cụ, hát, đọc truyền cảm các tác phẩm…
- Trí thông minh hướng ngoại (interpersonal): những người sở hữu trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua sử dụng các kỹ năng xã hội, giao tiếp, hợp tác làm việc với người khác, thích gặp gỡ và trò chuyện, có khả năng thông hiểu người khác…
- Trí thông minh hướng nội (intrapersonal): những người có trí thông minh này có thiên hướng học tập thông qua tình cảm, cảm giác, điều khiển và làm chủ tốt việc học của mình, hiểu rõ các suy nghĩ của bản thân, từ đó có thể hiểu được cảm xúc, tình cảm của người khác…
Vào năm 1996, Gardner có bổ sung thêm 2 loại trí thông minh mà ông và đồng nghiệp đang nghiên cứu:
- Trí thông minh hướng về thiên nhiên (naturalist): người có khả năng học tập thông qua hệ thống sắp xếp, phân loại, yêu thích thiên nhiên, các hoạt động ngoài trời,…
- Trí thông minh về sự tồn tại (existential): người có khả năng học tập thông qua việc thấy bức tranh tổng thể, thông qua những câu hỏi như “Tại sao chúng ta tồn tại ở đây?”, “Vai trò của tôi trong thế giới này là gì?”, “Vai trò của tôi trong gia đình, nhà trường và cộng đồng là gì?”. Loại trí tuệ này tìm kiếm sự kết nối giữa những kiến thức mới học với các ứng dụng, các kiến thức trong thực tế.
Nhiều bậc cha mẹ và các nhà giáo dục cảm thấy rằng cách phân loại này thể hiện chính xác hơn thế mạnh của các trẻ em khác nhau. Nhưng các nhà phê bình cáo buộc rằng các định nghĩa của Gardner rất rộng và bao hàm quá nhiều, điều này khiến cho việc phân loại trí thông minh trở nên vô nghĩa.
Một giả thuyết khác ít hạn chế hơn là lý thuyết về trí thông minh con người của Robert J. Sternberg. Theo Sternberg, trí thông minh của con người bao gồm:
- Trí thông minh sáng tạo, hoặc khả năng tạo ra những ý tưởng mới thú vị.
- Trí thông minh phân tích, hoặc khả năng kiểm tra thực tế và rút ra kết luận.
- Trí thông minh thực tế, hoặc khả năng để phù hợp với môi trường của một người.
Theo quan điểm của Sternberg, trí thông minh của một người là sự kết hợp của ba khả năng. Những người chỉ trích cho rằng ông có rất ít bằng chứng thực nghiệm cho lý thuyết của mình.
Các lý thuyết nêu trên đều tương đối mới, các nhà phê bình cũng đã chỉ ra các thiếu sót và điều bất hợp lý. Tuy nhiên, các lý thuyết đó có thể giải thích các khái niệm về thiên tài rõ ràng hơn bài kiểm tra IQ truyền thống. Thiên tài không phải chỉ là người có rất nhiều chỉ số G. Mozart là một ví dụ về sự kết hợp khả năng âm nhạc với một sự hiểu biết bẩm sinh về toán học. Einstein kết hợp thông minh về logic, toán học và các mối quan hệ không gian. Và tất cả các thiên tài đều có chung một khả năng rất quan trọng – sự sáng tạo của họ là không giới hạn. Nếu không có sự sáng tạo, họ sẽ không thể trở thành thiên tài. Họ sẽ chỉ đơn giản là người đặc biệt thông minh.
Vậy sáng tạo bao nhiêu là đủ để trở thành thiên tài? Kế tiếp chúng ta sẽ tìm hiểu làm thế nào trí tưởng tượng và năng suất lao động đóng góp vào việc trở thành thiên tài.
Thiên tài và sự sáng tạo
Thiên tài như Einstein được biết đến nhờ sự sáng tạo và năng suất lao động của ông - và đôi khi ông cũng được biết đến nhờ những hành vi kỳ quặc của mình.
Có một sự khác biệt lớn giữa việc thực sự thông minh và là một thiên tài. Trong khi thiên tài có xu hướng đặc biệt thông minh, họ cũng sử dụng trí tưởng tượng và sáng tạo để phát minh, khám phá hoặc tạo ra một cái gì đó mới trong lĩnh vực mà họ quan tâm. Họ phá vỡ các quy luật thông thường chứ không phải chỉ đơn giản là ghi nhớ hoặc đọc nhưng thông tin sẵn có.
Thiên tài thường không hoạt động một cách độc lập, hoặc là - gần như tất cả các thiên tài phân tích công việc của những người tài giỏi khác và họ sử dụng thông tin thu được để thực hiện những khám phá mới. Những thiên tài tự học, mặt khác, thường xuyên khai thác thông tin theo những cách bất ngờ hoặc sáng tạo, một phần bởi do họ thiếu đào tạo chính quy. Trong cả hai trường hợp, việc tưởng tượng ra những khả năng mới của một sự việc, lĩnh vực cũng quan trọng như việc sở hữu trí thông minh vậy.
Như trí thông minh, sự sáng tạo và trí tưởng tượng có thể khó khăn để định lượng hoặc giải thích. Một số nhà nghiên cứu tin rằng những người có khả năng sáng tạo có sự ức chế tiềm ẩn ít hơn những người khác. Sự ức chế tiềm ẩn là khả năng vô thức bỏ qua các tác nhân kích thích không quan trọng của con người. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng những người có khả năng sáng tạo, hoặc nhận được nhiều sự kích thích từ thế giới xung quanh, hoặc dễ dàng loại bỏ các tác nhân gây nhiễu hơn. Điều này cũng có thể giải thích tại sao những người có khả năng sáng tạo dường như dễ bị bệnh tâm thần. Những người vừa không thể lọc các kích thích xung quanh và có trạng thái tình cảm không ổn định dễ bị rối loạn tâm thần.
Sự sáng tạo của các nhà thiên tài dường như cũng có một số điểm chung với bệnh rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder). Khi những người bị bệnh này ở vào thời kì hưng cảm thì họ có những lúc xuất thần tạo nên những tuyệt phẩm, hoặc có khả năng làm việc mà một người bình thường không thể nào làm được. Còn khi họ lâm vào chu kỳ trầm cảm thì lại có những trạng thái chán đời, u uất khiến đôi khi tự hủy hoại bản thân. Các nhà văn và nghệ sĩ nói chung thì thường dễ mắc bệnh này hơn người bình thường.
Sự sáng tạo của thiên tài cũng liên quan đến năng suất lao động. Một số ví dụ điển hình về thiên tài đề cập đến những người đạt được thành tựu và hoàn thành suất sắc công việc của mình khi còn trẻ. Tuy nhiên, không phải nhà thiên tài nào cũng đạt được hiệu quả công việc cao khi tuổi đời còn trẻ như Einstein và Mozart đã làm. Một số, như Ludwig van Beethoven, đạt được hiệu quả công việc cao nhất và thành tựu to lớn ở những giai đoạn sau của cuộc đời.
Steve Job - một trong những thiên tài sáng tạo của giới công nghệ
Nhà nghiên cứu David Galenson giả định lý do cho điều này bởi những người có khả năng sáng tạo thì được chia làm 2 loại chính:
- Những nhà sáng tạo khái niệm thì có suy nghĩ táo bạo, bước nhảy vọt ấn tượng và thực hiện công việc của họ tốt nhất khi còn trẻ.
- Những nhà sáng tạo thử nghiệm thì tìm hiểu thông qua các phép thử và sai lầm, họ thực hiện công việc của mình tốt nhất sau một quá trình thử nghiệm lâu dài.
Những người chỉ trích nói rằng lý thuyết của Galenson đã bỏ qua những người đạt được các thành tựu vĩ đại trong suốt cuộc đời. Nghiên cứu mới nhất của ông cho thấy sáng tạo có thể được thể hiện như một sự liên tục. Thay vì là một trong hai nhà sáng tạo thử nghiệm hoặc sáng tạo khái niệm, mọi người có thể hầu hết là một trong hai loại trên, hoặc họ có thể ở đâu đó ở giữa.
Chúng ta không bao giờ có thể biết chính xác sáng tạo đến từ đâu, lý do một số người có thể sử dụng sự sáng tạo của họ hiệu quả hơn những người khác hoặc tại sao một số người đạt được khả năng sáng tạo nhất của họ ở một thời điểm cụ thể trong cuộc sống. Chúng ta có thể không hiểu làm thế nào một người có thể đạt được sự cân bằng giữa sức mạnh của bộ não, sự thông minh và khả năng sáng tạo để trở thành một thiên tài. Nhưng rõ ràng là các nhà thiên tài là trung tâm của tiến bộ khoa học, công nghệ và hiểu biết. Nếu không có thiên tài, sự hiểu biết của chúng ta về toán học, văn học và âm nhạc sẽ không thể được như bây giờ. Những khái niệm như trọng lực, quỹ đạo của các hành tinh và sự tồn tại của hố đen có thể vẫn còn là điều bí ẩn và chưa được khám phá.