Bộ Y tế: Tăng cường giám sát bệnh Marburg đặc biệt nguy hiểm

Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg xâm nhập vào Việt Nam. Theo Bộ Y tế, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong đến 88%.

Cụ thể, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước và các viện vệ sinh dịch tễ/viện Pasteur về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg.

Bộ Y tế cho biết bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra, ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus).


Theo Bộ Y tế, bệnh Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm - (Ảnh minh họa).

Bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...) hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc, chết do virus Marburg.

Người bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết, thời gian ủ bệnh từ 2 - 21 ngày. Hiện bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

Bộ Y tế nhấn mạnh đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỉ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%). Hiện bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh Marburg không để lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ.

Đặc biệt lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày.


Đồng thời phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương.

Đối với viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur, Bộ Y tế yêu cầu hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, sẵn sàng đáp ứng khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc tại các địa phương (nếu có).

Trước đó, ngày 13-2, Guinea Xích Đạo (một quốc gia ở bờ biển phía tây của Trung Phi) đã xác nhận đợt bùng phát bệnh đầu tiên do virus Marburg, sau cái chết của ít nhất 9 người ở tỉnh Kie Ntem phía tây đất nước này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh do virus Marburg - một bệnh có độc lực cao - gây sốt xuất huyết, với tỉ lệ tử vong lên tới 88%. Hiện chưa có vắc xin hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh do virus Marburg.

Cập nhật: 21/03/2023 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video