Mọi việc diễn ra hết sức tế nhị: Những con cá lớn, cá dữ khi đến gần đều cẩn thận tránh làm chúng hoảng sợ và thể hiện "lòng thành" là muốn được làm vệ sinh thân thể cho sạch.
Trong lúc những con cá lớn ngủ lim dim, "cá biết làm sạch" nhỏ bé khéo léo bơi quanh, đớp liên tiếp trên khắp cơ thể cá lớn để ăn đi "chấy rận" và các loại ký sinh khác.
Cá Labroides dimidiatus thậm chí còn bơi cả vào trong cái miệng sâu hoắm của cá mú để làm sạch răng. Khi răng miệng đã sạch sẽ, cá lớn còn mở cả nắp mang để cá Labroides dimidiatus chui vào trong làm sạch mang.
Nhiều khi những con cá muốn làm sạch phải đợi đến lượt để được làm vệ sinh. Hai bên đều có lợi: cá lớn được sạch sẽ mà không phải tốn gì, còn cá biết làm sạch thì no bụng.
Trong những rặng đá ngầm, nơi cá làm vệ sinh vì lý do gì đó không sống được ở đó, sức khỏe của cá lớn bị suy giảm rõ rệt vì các bệnh do vật ký sinh gây ra.
Một đặc điểm đặc biệt nữa ở loại cá này là: Nếu như có sự khan hiếm cá trống hay cá mái trong một cộng đồng, một số con sẽ tự biến đổi giới tính. Trứng được đẻ trong khu vực tổ và được cả cá bố và cá mẹ cùng canh giữ. Khi trứng nở, cá con trôi dạt giữa các rặng đá và ăn phiêu sinh vật cho đến khi đủ lớn để trở thành "chuyên gia diệt động thực vật ký sinh".
Ban ngày, nhìn cá Labroides dimidiatus có màu xanh óng ánh và một dải màu đen lớn chạy dọc chiều dài cơ thể từ môi cho đến tận đuôi. Đêm đến, cá rất thông minh, biết ẩn mình giữa các hòn đá và thậm chí còn biết lấy rong biển bao quanh mình để ẩn náu an toàn.
Loại cá Labroides dimidiatus phân bố khắp vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng trừ khu vực Hawaii.