Do thiếu du khách, những con cá chình vườn ở thủy cung Nhật Bản đã bắt đầu quên sự hiện diện của con người và trở nên nhạy cảm.
Khi những con cá chình vườn tại một bể cá ở Tokyo ngóc đầu lên khỏi cát, chúng thường bị nhìn chằm chằm bởi ánh mắt của những người tham quan.
Nhưng giống như các loài động vật khác trên thế giới, môi trường sống của cá chình vườn tại thủy cung Sumida, Tokyo đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Những con cá này dường như quên mất con người trông như thế nào do thủy cung đã bị đóng cửa từ tháng 3.
“Chúng không thấy con người, ngoại trừ những người chăm sóc và chúng đã bắt đầu quên con người”, thủy cung viết trên tài khoản Twitter trong tuần này.
Cá chình vườn ở Tokyo đang dần quên đi sự tồn tại của con người. (Ảnh: Getty).
“Cá chình vườn biến mất trong cát và ẩn nấp mỗi khi người chăm sóc đi ngang qua”, thủy cung cho biết và nói rằng bản chất quá nhạy cảm của cá chình vườn đang gây khó khăn cho việc theo dõi sức khỏe của chúng.
Lo ngại rằng chúng sẽ xem du khách như một mối đe dọa, thủy cung Sumida đã tạo một sự kiện tên là “lễ hội thấy mặt”.
“Đây là yêu cầu khẩn cấp”, thủy cung kêu gọi. “Bạn có thể cho cá chình vườn thấy mặt từ xa được không?”
Để giúp những con cá chình kết nối với những du khách, thủy cung đang đặt 5 máy tính bảng đối diện với bể cá và yêu cầu khách tham quan kết nối qua iPhone hoặc iPad thông qua ứng dụng FaceTime.
Người tham gia phải cho thấy mặt, vẫy tay và nói chuyện với những con cá chình vườn nhưng không được lên giọng.
Lễ hội sẽ diễn ra vào ngày 3-5/5, vào lúc cao điểm của kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng. Thông thường, nhiều người Nhật Bản sẽ đi du lịch trong dịp này. Tuy nhiên, do Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp để chống Covid-19, phần lớn người dân Nhật Bản sẽ ở nhà.
Yêu cầu của thủy cung đã thu hút được nhiều sự ủng hộ với từ khóa #Xinhãynhớconngười trong tiếng Nhật.