Các đợt di trú của động vật có vú kích thước lớn đang dần biến mất

Châu Phi vốn được biết đến là nơi diễn ra những đợt di trú ngoạn mục của các loài động vật. Các loài động vật có vú lớn, từ linh dương gaze tới loài wildebeest xanh (loài động vật có vú và bụng to, cùng các đặc điểm kết hợp giữa linh dương và ngựa – N.D) nện móng trên những vùng đất rộng lớn mỗi khi chuyển mùa.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy, các đợt di trú trên lục địa này sẽ dần biến mất.

Lần đầu tiên, các nhà khoa học thu thập và phân tích dữ liệu về các loài động vật có vú kích thước lớn có thói quen di trú trên thế giới. Các nhà nghiên cứu đã xem xét lịch sử di trú của một nhóm các động vật móng guốc, tất cả trong số này đều là động vật móng guốc có vú với trọng lượng cơ thể hơn 44 pound (20 kg). Dữ liệu cho thấy 1/4 trong những loài này giờ đây không còn di trú, và sự phát triển cuộc sống hiện đại của loài người chính là nguyên nhân của thay đổi - dẫn lời Grant Harris, thành viên nhóm tác giả nghiên cứu. 

Trong nhiều trường hợp, thậm chí không tồn tại dữ liệu về những con vật này.

“Tôi đã nghĩ, ‘Ôi chúa ơi, ở đây không còn lại gì hết,’ và nếu như không còn lại gì cho những động vật có vú to lớn này, cũng có nghĩa là không còn lại bao nhiêu cho các loài khác,” Harris nói với phóng viên LiveScience.

Đàn linh dương sừng cong Tiang ở khu vực phía Nam của Rừng Quốc gia Boma. (Ảnh: P. Elkan, Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã/ Địa lý Quốc gia)

Harris, nhà sinh vật học bảo tồn, đã tiến hành nghiên cứu với sự cộng tác của Trung tâm Bảo tồn và Đa dạng sinh học thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở New York. Giờ đây ông là thành viên của Cục bảo vệ Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ. Báo cáo kết quả nghiên cứu được công bố trên tờ Endangered Species Research số ra tháng 4. 

Điều đã biết

Những động vật có vú kích thước lớn ví dụ như loài wildebeest hay bò rừng bison sống nhờ các thực vật tươi ví dụ như cỏ. Chúng sống thành từng đàn lớn, do vậy nguồn thức ăn ở một vị trí cố định không thể đủ cho cả đàn, và nơi nào có mưa xuống hay tuyết tan, những cây con phát triển mạnh, đàn bò sẽ lần theo dấu vết của sự trù phú ấy. Nhưng rất khó đoán biết được khi nào và nơi nào diễn ra hiện tượng kể trên, nên những đợt di trú hiếm khi theo một cung đường lặp lại, trong nhiều trường hợp, ngay cả những nhà nghiên cứu dày dạn kinh nghiệm cũng khó có thể đoán trước được.

Đàn voi ở các đầm lầy Sudd. (Ảnh: P. Elkan, Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã/ Địa lý Quốc gia)

Để hiểu rõ hơn về tình hình di trú của động vật hiện nay, Harris cùng các đồng nghiệp đã tập trung vào số lượng các quần thể, lịch sử di trú và những mối đe dọa đối với 24 loài móng guốc có thói quen di trú – trong đó 14 loài ở châu Phi, 7 loài ở lục địa Á Âu và 4 loài thuộc Bắc Mỹ (loài tuần lộc Rangifer tarandus có mặt cả ở đại lục Á – Âu và Bắc Mỹ).

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ở 6 trong 24 loài này – linh dương Nam Phi springbok, wildebeest đen, linh dương Nam Phi blesbok, lừa rừng kulan, linh dương sừng kiếm (scimitar horned oryx) và ngựa vằn đồng bằng (guagga – đã tuyệt chủng) – giờ đây di trú hàng loạt không còn tồn tại nữa, hoặc tình trạng hiện tại của chúng không được xác định, hoặc thậm chí đã tuyệt chủng hoàn toàn.

Châu Phi là nơi sinh sống của 5 trong số 6 động vật kể trên. 

Vấn đề là gì?

Hầu hết các quần thể đều bị thiếu các dữ liệu cơ bản, ví dụ như số lượng đàn, khoảng cách hoặc cung đường di trú. Đồng thời, rất nhiều dữ liệu đã có là những con số cũ thu được từ hàng chục năm trước. Nghiên cứu mới này cung cấp một khung hành động cho các nỗ lực bảo tồn trong tương lai khi các nhà khoa học đã khắc phục được những lỗ hổng dữ liệu và vạch ra được các chiến lược để bảo vệ các đợt di trú, Stuart Pimm, một nhà sinh vật học bảo tồn thuộc Đại học Duke, người không tham gia vào nghiên cứu này, nhận xét.

Đàn linh dương châu Phi, Rừng Quốc gia Boma. (Ảnh: P. Elkan, Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã/ Địa lý Quốc gia)

Trong các nghiên cứu trước, người ta đã liệt kê ra hàng loạt mối đe dọa đối với 20 loài di trú theo đàn. Trong đó săn bắn được liệt là hiểm họa đối với 17 loài. Hầu hết các loài động vật này di trú vượt qua ranh giới của một khu bảo tồn hoặc một quốc gia, hàng rào và đường đi của con người có thể ngăn chúng tiếp cận với nguồn thức ăn, nước uống. Một số nhà bảo tồn tán thành việc đưa các loài này vào các khu bảo tồn, nhưng thường thì cung đường di trú sẽ vượt qua cả biên giới khu bảo tồn, sự phát triển sản xuất nông nghiệp cùng nhiều lĩnh vực khác của con người ở vùng bao quanh có thể khiến các loài di trú không tiếp cận được với thức ăn và nước uống. Bản thân các khu bảo tồn cũng được lập hàng rào, điều này giam hãm các con vật và cản trở việc di trú của chúng.

Không tồn tại một giải pháp thích hợp về mọi mặt để bảo vệ các đợt di trú, Pimm nói. Hiện tại chúng ta vẫn chưa có đủ các nghiên cứu cần thiết đối với bản thân các loài động vật, chứ chưa nói tới việc di trú của chúng. Nhưng hầu hết các nhà khoa học lại cho rằng nếu tìm đủ tất cả các dữ liệu cần thiết về di trú rồi mới tìm ra hướng giúp đỡ các loài động vật hoang dã thì khi đó đã là quá muộn.

Nhưng theo Pimm, “bạn không thể nghĩ về các giải pháp khi mà bạn thậm chí chưa rõ tất cả những vấn đề đang đặt ra.”

G2V Star (Theo LiveScience)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video