Sau khi nghiên cứu 11 triệu hồ sơ y tế, các nhà khoa học tại trường Y khoa Harvard đã chứng minh rằng, trời mưa không hề liên quan đến chứng đau nhức xương khớp.
Tin đồn rằng đau khớp thường xuất hiện khi trời mưa trong hàng thế kỷ qua đã bị phản bác bởi nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Harvard.
Khoảng 2,500 năm sau khi người Hy Lạp lần đầu tiên cho rằng, có mối liên hệ giữa thời tiết và các cơn đau, các nhà khoa học cuối cùng đã chỉ ra niềm tin này không hề chính xác.
Trời mưa không hề làm cho bạn đau nhức khớp xương.
Trong nghiên cứu lớn nhất từ trước tới nay, các nhà khoa học đã xem xét hơn 11 triệu hồ sơ bệnh án của 1,5 triệu người hưu trí Mỹ từ năm 2008 đến 2012, nhằm tìm kiếm sự tương quan giữa trời mưa và số ca đau khớp được ghi nhận. Nhưng họ không tìm thấy sự liên quan nào cả.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, quy mô của nghiên cứu này lớn đến mức không thể xảy ra bất kỳ nhầm lẫn nào.
Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Anupam Jena, thuộc Khoa Chính sách chăm sóc sức khỏe - Trường Y khoa Harvard, cho biết: "Thật khó để chứng minh một điều không đúng".
"Trong những đợt mưa lũ dữ dội, nếu có bất kì một ghi nhận về số lượng trường hợp đau khớp đột biến nào, chúng tôi sẽ tìm ra. Dù chỉ là một dấu hiệu nhỏ nào đó chứng tỏ thời tiết có ảnh hưởng đến chứng đau nhức. Nhưng thực tế, chúng tôi không tìm thấy gì cả".
"Cho dù chúng tôi nhìn vào dữ liệu thế nào đi chăng nữa, chúng tôi cũng không thấy bất kì sự tương quan giữa lượng mưa và số lần thăm khám bác sĩ về đau khớp hoặc đau lưng. Như vậy, đau khớp và đau lưng là những nhà dự báo thời tiết không đáng tin cậy", Giáo sư Anupam Jena cho biết thêm.
Đau lưng dù trời có mưa hay không.
Khái niệm rằng các khớp bị đau và thời tiết u ám luôn song hành với nhau đã tồn tại từ thời cổ đại. Hippocrates - Người được xem là cha đẻ của nền y học hiện đại, đã khẳng định điều này trong cuốn 'On Airs, Waters and Places' (không khí, nước, nơi sống). Ông cho rằng, có thể dựa vào những dấu hiệu y khoa để dự đoán sự thay đổi thời tiết trong năm và việc nghiên cứu sức gió có thể biết được ảnh hưởng của thời tiết đến sức khỏe.
Niềm tin này đã tồn tại qua nhiều thế kỷ đến tận bây giờ, được thúc đẩy bởi sự kết hợp của văn hóa truyền miệng dân gian và các nghiên cứu nhỏ đã mang lại nhiều kết quả lẫn lộn.
Một nghiên cứu về vấn đề này cũng đang được tiến hành tại Đại học Manchester. Theo những kết quả ban đầu được công bố vào năm ngoái, trong những ngày nắng từ tháng 2 đến tháng 6, những người đang bị các cơn đau mãn tính sẽ cảm thấy tốt hơn. Tuy nhiên, khi thời tiết ẩm ướt và âm u vào tháng 6, các cơn đau lại tăng trở lại.
Các nhà khoa học đã suy đoán rằng, sự thay đổi áp suất không khí có thể làm cho chất lỏng trong khớp chuyển động, gây đau đớn, đặc biệt đối với những người bị viêm khớp. Áp suất thấp cũng gây ra mưa, vì vậy mọi người có thể nhầm lẫn trời mưa có thể gây ra các cơn đau.
Những cơn đau khớp không liên quan đến trời mưa.
Tuy nhiên, khi phân tích mối liên quan giữa số lượng người đến khám bác sỹ với mực nước mưa từ cục Quản lý Đại dương và Khí tượng Quốc gia (NOAA), họ không tìm thấy mối liên hệ nào. Nhìn chung, số người đến khám bác sĩ vì đau đớn trong những ngày mưa chỉ chiếm 6.35%, trong khi số người đến khám bác sĩ vì lý do tương tự vào những ngày tạnh ráo chiếm 6.39%.
Giáo sư Jena cho biết bộ não của con người rất giỏi tìm kiếm các nguyên nhân, ngay cả khi chúng không tồn tại.
Nếu mọi người nghĩ rằng đầu gối của họ bị đau khi trời mưa và nếu đầu gối họ không đau thì họ sẽ quên điều này ngay lập tức. Nhưng nếu đầu gối họ đau khi mưa xuống thì mọi lỗi lầm sẽ được đổ do trời mưa.
"Là bác sĩ, chúng tôi nhạy cảm với những điều mà bệnh nhân nói. Đau là đau dù có mưa hay không", ông nói thêm. "Nhưng điều quan trọng là ở cấp độ lâm sàng, đau khớp dường như không xuất hiện và thay đổi theo thời tiết".