"Hóa chất vĩnh cửu" có thể tồn tại vĩnh viễn trong không khí, nước và đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp đột phá để phá hủy chúng.
Theo Hãng tin AFP, hôm 18-8, các nhà khoa học ở Mỹ và Trung Quốc cho biết cuối cùng họ đã tìm ra phương pháp đột phá để làm phân hủy các "hóa chất vĩnh cửu" - được gọi là PFAS - thông qua việc sử dụng nhiệt độ tương đối thấp và các hóa chất thông thường.
Bọt chữa cháy còn sót lại sau khi xử lý một vụ tai nạn xe bồn ở bang Pennsylvania, Mỹ. Hóa chất vĩnh cửu có ở khắp mọi nơi, kể cả trong bọt này, trong chảo chống dính... (Ảnh: NYT/ALAMY)
Trước đó, để phá hủy PFAS đòi hỏi các phương pháp mạnh, chẳng hạn đốt ở nhiệt độ cực cao hoặc sử dụng sóng siêu âm.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern mới đây cho biết PFAS có thể bị phá hủy bằng cách sử dụng 2 hóa chất tương đối vô hại: natri hydroxit hay còn gọi là dung dịch kiềm (hóa chất được sử dụng để sản xuất xà phòng) và dimethyl sulfoxide (hóa chất được phê duyệt dùng cho điều trị hội chứng đau bàng quang).
Kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Science, có khả năng đưa ra giải pháp cho hóa chất vĩnh cửu - nguồn gây hại lâu dài đối với môi trường, vật nuôi và con người.
PFAS được phát triển lần đầu tiên vào những năm 1940. Loại hóa chất tổng hợp này hiện được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm như chảo chống dính, vải dệt chống thấm nước và bọt chữa cháy.
Hóa chất này có thể tồn tại vĩnh viễn trong không khí, nước và đất và đó là lý do tại sao chúng thường được gọi là "hóa chất vĩnh cửu". Khả năng khó phân hủy của PFAS xuất phát từ các liên kết carbon-flouride của chúng, một trong những loại liên kết mạnh nhất trong hóa học hữu cơ.
Một nghiên cứu được công bố vào tuần trước của các nhà khoa học đến từ Đại học Stockholm cho rằng nước mưa ở khắp mọi nơi trên hành tinh không an toàn khi dùng để uống vì nhiễm PFAS.