Các nhà khoa học nghiên cứu dùng virus nCoV giả để tiêu diệt virus thật

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Pennsylvania thiết kế phương pháp điều trị mới sử dụng nCoV để tiêu diệt chính virus.

Nhóm nghiên cứu thiết kế nCoV nhân tạo vô hại nhưng có thể can thiệp vào sự phát triển của virus thật, có khả năng tiêu diệt cả virus gây bệnh và bản thân nó. Trong các thí nghiệm, họ chứng minh nCoV thật cho phép virus nhân tạo nhân lên và lan rộng, qua đó thúc đẩy hiệu quả sự suy giảm của nó, theo Marco Archetti, phó giáo sư sinh vật học ở Đại học Pennsylvania. Phiên bản virus nhân tạo này có thể sử dụng như một phương pháp điều trị kháng virus đối với Covid-19.


Mô hình in 3D gai protein của nCoV. (Ảnh: NIH).

Archetti giải thích khi virus tấn công tế bào, nó bám vào bề mặt tế bào và truyền vật liệu di truyền vào bên trong. Sau đó, virus lừa tế bào sao chép vật liệu di truyền của nó và lắp ráp thành hạt virus, sẵn sàng thoát ra ngoài và lây nhiễm sang tế bào khác.

Virus không hoàn chỉnh (DI) bị thiếu nhiều đoạn lớn trong hệ gene, gây ảnh hưởng tới khả năng sao chép vật liệu di truyền và lắp ráp thành hạt virus mới của chúng. Tuy nhiên, hệ gene DI có thể thực hiện những chức năng trên nếu tế bào mà chúng lây nhiễm chứa vật liệu di truyền từ virus thật. Trong trường hợp này, hệ gene DI có thể cướp cỗ máy sao chép và lắp ráp trong hệ gene của virus thật. Archetti so sánh hệ gene bị lỗi này hoạt động giống như ký sinh trùng với virus thật, đồng thời làm gián đoạn sự phát triển của chúng.

Ngoài ra, với độ dài ngắn hơn do thiếu một số đoạn, hệ gene DI có thể nhân lên nhanh hơn hệ gene virus thật ở những tế bào bị nhiễm cả hai loại virus và nhanh chóng vượt qua virus thật. Trong nghiên cứu công bố hôm 1/7 trên tạp chí PeerJ, Archetti và đồng nghiệp nhận thấy hệ gene DI nhân tạo có thể nhân lên nhanh gấp 3 lần hệ gene virus thật, khiến số lượng virus thật giảm một nửa trong 24 giờ.

Để tiến hành nghiên cứu, nhóm chuyên gia chỉnh sửa hệ gene DI nhân tạo từ các phần của hệ gene nCoV thật và đưa vào tế bào khỉ xanh châu Phi nhiễm Covid-19. Sau đó, họ tính số lượng tương đối của hệ gene DI trong tế bào theo thời gian, giúp xác định mức độ can thiệp của hệ gene DI đối với hệ gene virus thật.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy trong vòng 24 giờ sau khi nhiễm bệnh, hệ gene DI khiến số lượng nCoV giảm một nửa so với lượng virus thật trong các thí nghiệm có kiểm soát. Họ cũng phát hiện số lượng hệ gene DI tăng nhanh gấp 3,3 lần so với virus thật. Do hệ gene DI tăng lên đều đặn trong tế bào, sự suy giảm của virus thật sẽ dẫn tới cả hai loại virus cùng bị tiêu diệt do hệ gene DI không thể tiếp tục tồn tại sau khi virus thật biến mất.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh cần tiến hành thêm nhiều thí nghiệm để xác định tiềm năng của nCoV DI trong điều trị kháng virus như thí nghiệm trong dòng tế bào phổi của con người và sử dụng một số biến chủng nCoV mới hơn.

Cập nhật: 09/07/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video