Các vận động viên Olympic thi nhau phá kỷ lục nhờ công nghệ đường chạy "trên mây" của Nhật Bản

Cuối tuần trước, ba nữ vận động viên điền kinh người Jamaica đã thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới khi ẵm trọn cả bộ huy chương vàng, bạc và đồng ở cự ly chạy nước rút 100 m tại Olympic Tokyo.

Elaine Thompson-Herah, nữ vận động viên về nhất dành huy chương vàng thậm chí đã phá được kỷ lục Olympic tồn tại suốt 33 năm khi về đích với thành tích 10,61 giây. Kỷ lục trước đó 10,62 giây được vận động viên người Mỹ Griffith Joyner thiết lập từ Olympic Seoul năm 1988.

Nhiều người nói đùa rằng đây phải là giải chạy Jamaica mở rộng. Nhưng có một thực tế mà họ không biết, Thompson-Herah có lẽ sẽ không đạt được thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của mình nếu cô không đến Tokyo.


3 vận động viên điền kinh của Jamaica.

Đó là bởi góp phần vào sự thành công của cô ấy, không thể không kể đến công nghệ mặt đường chạy tiên tiến nhất mà nước chủ nhà đã áp dụng tại Olympic. Nó được gọi là MONDOTRACK WS, làm từ vật liệu cao su bán lưu hóa có khả năng kết dính, đàn hồi cao và bẫy một lớp không khí mỏng phía bên dưới.

Trong khi khả năng kết dính cũng làm tăng ma sát giữa đế giày vận động viên với đường chạy, lớp đệm không khí bên dưới có tác dụng trả lại lực đàn hồi và đẩy vận động viên tiến về phía trước.

Nhiều vận động viên đã phải ngạc nhiên khi chạy trên đường MONDOTRACK WS tại Olympic Nhật Bản. Họ cho biết với đường chạy này, nhiều kỷ lục cá nhân, kỷ lục Olympic và kỷ lục thế giới có thể bị phá vỡ.

"Cảm giác cứ như đang chạy trên mây"

Đó là lời chia sẻ của Ronnie Baker, vận động viên chạy nước rút 100 m người Mỹ khi cô chạy trên đường đua màu đỏ gạch được sản xuất bởi Mondo - công ty Nhật Bản này đã hoạt động từ năm 1948 và là nhà cung cấp vật liệu và thi công đường chạy cho 12 kỳ Thế vận hội.

Từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2019, Mondo đã nhận nhiệm vụ thi công các đường chạy phục vụ Olympic Tokyo. Họ đã cải tiến đường chạy MONDOTRACK WS so với những cung đường 5 năm trước đó ở Thế vận hội Rio 2016.

Công ty cho biết các cải tiến này nhằm "tối đa hóa tốc độ của các vận động viên và cải thiện thành tích của họ". Cụ thể, họ đã sử dụng kết hợp rất nhiều công nghệ được cấp bằng sáng chế độc quyền cho đường chạy này.


Công nghệ bên dưới đường chạy ở Olympic Tokyo

Đầu tiên phải kể đến thiết kế hai lớp của nó, một lớp cao su lưu hóa phía trên mặt đường và một lớp phía dưới có các khoang hình tổ ong chứa đầy không khí.

Mondo cho biết các khoang không khí này hỗ trợ hấp thụ lực xung kích khi vận động viên nhấn bước chân của họ xuống đường chạy, tích trữ năng lượng từ lực này và trả lại họ ngay tức thì để tạo ra phản ứng động học tiến về phía trước.

Thiết kế khoang không khí hình tổ ong giúp tạo ra sự biến dạng ba chiều trên lớp lót đường đua giảm thiểu thời gian vận động viên tiếp xúc với sàn và tối đa hóa thời gian hoàn trả lực.


Vật liệu tạo nên đường chạy MONDOTRACK WS.

Phía trên lớp đệm không khí này là một vật liệu cao su bán lưu hóa mà Mondo gọi là hạt TY. Các hạt này cũng giúp tối ưu hóa độ đàn hồi và tăng khả năng thu hồi năng lượng cho vận động viên. Nó được cho là có thể giúp vận động viên kiểm soát tốt hơn độ sải của chân, nhịp chạy và sự ổn định của họ.

Những yếu tố này không chỉ giúp những vận động viên chạy nước rút, mà còn giúp cho những vận động viên chạy vượt rào, nhảy xa hoặc nhảy cao, những người cần bật lên khỏi đường chạy.

Sydney McLaughlin, vận động viên chạy vượt rào người Mỹ đang giữ kỷ lục thế giới ở cự ly 400 m cho biết: "Trên thế giới có một số công nghệ đường chạy có thể hấp thụ chuyển động và lực của bạn. Sau đó, nó tái tạo lại lực và trả lại cho bạn. Khi chạy trên đường đua đó, bạn có thể cảm nhận được hiệu ứng".


Đường chạy ở Olympic Tokyo năm nay có thể cải thiện từ 1-2% thành tích cho các vận động viên.

Cuối cùng, đường chạy MONDOTRACK WS được tạo bề mặt trên cùng với các vân nổi vô định hình. Nó giúp tăng cường khả năng chống trượt, độ bám đường và giảm khả năng gai giày xuyên được qua bề mặt. Điều này sẽ giúp vận động viên chạy nhanh hơn do thời gian chân họ tiếp xúc với đường đua ít hơn, Mondo cho biết.

Tổng hợp lại, đường chạy ở Olympic Tokyo năm nay có thể cải thiện từ 1-2% thành tích cho các vận động viên, đại diện nhà sản xuất cho biết. Bằng chứng là vận động viên người Na Uy Karsten Warholm đã phá vỡ kỷ lục của chính bản thân mình ở cự ly 400m rào.

Tháng 7 vừa rồi, Warholm từng phá vỡ kỷ lục 400 m rào nam tồn tại từ năm 1992 khi về đích ở 46,7 giây. Nhưng trên đường chạy MONDOTRACK WS ngày hôm nay, anh vừa phá vỡ kỷ lục ấy của chính mình với thành tích 45,94 giây.


Vận động viên người Na Uy Karsten Warholm bên cạnh kỷ lục mới của chính mình.

Nhiều vận động viên khác bây giờ cũng đang háo hức được chạy trên đường MONDOTRACK WS. "Đó thực sự là một đường đua tốt, một trong những đường chạy tốt nhất mà tôi từng chạy", Ronnie Baker nhấn mạnh.

Đồng ý với cô là Clayton Murphy, nam vận động viên chạy cự ly 800 m người Mỹ. "Ồ, nó rất nhanh. Bạn không những có thể giành chiến thắng với đường chạy này, mà còn có thể phá kỷ lục thế giới".

Trong khi đó, vận động viên chạy nước rút người Nam Phi Akani Simbine cũng nhận xét: "Chỉ cần cảm nhận thôi bạn sẽ thấy được điều đó. Các vận động viên như chúng tôi luôn biết cảm giác của những đường chạy nhanh chậm như thế nào. Và đối với chúng tôi, đường đua ở Olympic năm nay thực sự rất nhanh, tôi rất háo hức để được chạy và thi đấu trên đó".

Cập nhật: 05/08/2021 Theo Pháp luật và bạn đọc
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video