Các vị trí có nguy cơ nhiễm virus tại chung cư ít người để ý

Thang máy, hành lang hay sàn nhà tại chung cư đều có thể trở thành khu vực có nguy lây nhiễm virus nếu không thường xuyên được vệ sinh, khử khuẩn và giữ thông thoáng.

Tập trung nhiều hộ gia đình trong cùng một tòa nhà, chung cư là một trong những nơi có nguy cơ lây nhiễm SARS-COV-2 cao. Nếu xuất hiện F0 trong tòa nhà, những khu vực công cộng có không gian kín hay các bề mặt thường tiếp xúc đều có khả năng tồn tại virus.

Thang máy

Không gian kín, đối lưu không khí kém của buồng thang máy tạo điều kiện thuận lợi để virus SARS-COV-2 tồn tại lâu và tích tụ ở nồng độ cao. Khu vực này cũng có nhiều bề mặt tiếp xúc chung khiến virus bám dính và truyền nhiễm gián tiếp khi chúng ta vô tình chạm tay. Theo một số nghiên cứu, trên các bề mặt kim loại như bảng điều khiển hay tay vịn thang máy, virus SARS-COV-2 có thể tồn tại đến 3-4 ngày.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm, bạn nên tránh đi thang máy khi đông người, tốt nhất là di chuyển một mình. Ngoài đeo khẩu trang, bạn nên hạn chế dùng tay bấm nút thang máy, thay vào đó có thể sử dụng chìa khóa hay đầu bút. Cẩn thận hơn, bạn có thể mang theo dung dịch vệ sinh bề mặt để khử khuẩn cho bảng điều khiển và tay vịn thang máy.

Hành lang chung cư

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, trong môi trường kín, giọt bắn chứa virus SARS-COV-2 dưới dạng hạt khí dung aerosol siêu nhỏ có thể bay lơ lửng trong không khí nhiều giờ. Do vậy, hành lang chung cư hẹp và kém thông thoáng có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Các hạt aerosol có thể tồn tại ở hành lang khi F0 đi ngang, ho hay hắt xì mà không có biện pháp bảo vệ phù hợp.


Hành lang hẹp, kém thông thoáng làm tăng nguy cơ lây lan virus.

Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên hạn chế ra vào khu vực hành lang khi tòa nhà thông báo có ca dương tính SARS-COV-2 cùng tầng. Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, mở cửa sổ đón gió và ánh sáng tự nhiên, giảm sử dụng điều hòa là những biện pháp nên thực hiện để tránh virus tích tụ, tồn tại lâu trong không gian sống.

Bên cạnh đó, bạn nên vệ sinh, khử khuẩn khu vực hành lang gần căn hộ của mình đều đặn. Trong lúc thực hiện công việc này, bạn cần đeo khẩu trang, găng tay cẩn thận, đồng thời sát khuẩn, tắm rửa và súc họng kỹ lưỡng sau khi hoàn thành.

Sàn nhà

Nhiều người ít để ý đến nguy cơ lây nhiễm từ sàn nhà do bề mặt này không tiếp xúc gần với mắt, mũi, miệng. Tuy nhiên, virus SARS-COV-2 có thể theo giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi rơi xuống và bám trên sàn nhà. Điều này dẫn đến nguy cơ tiếp xúc virus khi các thành viên trong gia đình vô tình chạm phải trong quá trình sinh hoạt, nhất là trẻ hay thích trườn, bò, chơi đùa trên sàn nhà.

Theo bác sĩ gia đình Georgine Nanos - chuyên gia về dịch tễ và sức khỏe cộng đồng bang California, Mỹ - giày có thể tiềm ẩn nguy cơ mang theo virus SARS-COV-2, đặc biệt là khi chúng đi đến những nơi đông người như cửa hàng thực phẩm, nơi làm việc, thang máy... Do vậy, không loại trừ khả năng virus từ giày dép bám lên sàn.

Mọi người cần thay giày, dép mới trước khi bước vào nhà. Giày dép vừa mang ra ngoài về cần được chà rửa, diệt khuẩn cẩn thận. Bên cạnh đó, thường xuyên lau chùi sàn nhà bằng dung dịch chuyên dụng là giải pháp cần thiết để loại bỏ nguy cơ tồn tại virus.

Nhà vệ sinh

Các vi giọt chứa virus có thể bị bắn ra ngoài, lây lan trong không khí và bám vào các bề mặt khi người bệnh giật nước bồn cầu. Khi dùng chung nhà vệ sinh, các thành viên khác sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh khi hít phải giọt bắn hay chạm vào bề mặt có virus. Chưa kể, không gian nhà vệ sinh thường hẹp, kín và ẩm thấp. Đây là điều kiện lý tưởng để virus tồn tại lâu hơn.

Trong một số nghiên cứu ở chung cư kiểu cũ, nhà khoa học từng đặt giả thuyết các vi giọt chứa virus có thể phát tán theo chiều dọc, thông qua ống xả hơi nối với hệ thống xả chất thải nhà vệ sinh của cùng lô trong cùng tòa nhà.

Do vậy, chùi rửa và khử khuẩn nhà vệ sinh là việc các gia đình cần thực hiện đều đặn để ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh. Trong trường hợp gia đình có F0 thì tốt nhất nên bổ trí sử dụng nhà vệ sinh riêng.

Một số bề mặt, vật dụng thường tiếp xúc

Chúng ta thường lo ngại nguy cơ lây nhiễm từ tay nắm cửa và thành vịn cầu thang nhưng dễ bỏ qua các vật dụng khác như như bếp, điện thoại, laptop, chìa khóa…. Bề mặt trơn nhẵn của cả các vật dụng này đều có thể trở thành “thỏi nam châm” hút virus, vi khuẩn, nhất là khi tiếp xúc gần với nguồn bệnh.

Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh Australia (ACDP) từng công bố kết quả nghiên cứu cho thấy SARS-COV-2 có thể tồn tại dai dẳng trên bề mặt nhẵn. Trong môi trường có nhiệt độ 20 độ C, virus có thể tồn tại tối đa đến 28 ngày trên màn hình điện thoại.

Bếp, điện thoại, laptop, chìa khóa… là những vật dụng mà chúng ta gần như tiếp xúc liên tục hàng ngày. Vì vậy, khử trùng, vệ sinh bề mặt của các vật dụng này thường xuyên giúp bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Cập nhật: 01/10/2021 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video