Có nhiều lý do khiến bạn bị nôn, chẳng hạn như tiêu chảy, đầy bụng, ngộ độc thực phẩm hay uống rượu bia quá nhiều,... Nôn mửa có thể gây đau họng và dưới đây là cách để bạn làm dịu họng nhanh nhất tại nhà.
Những biện pháp làm giảm đau họng sau khi nôn ói
Ngay cả sau khi cơn buồn nôn đã giảm bớt, bạn vẫn có cảm giác đau và nóng rát ở cổ họng trong nhiều giờ hoặc vài ngày; đặc biệt nếu bạn nôn nhiều lần trong ngày.
1. Tại sao cổ họng bị nóng rát và đau sau khi nôn?
Khi niêm mạc cổ họng tiếp xúc với chất nôn, nó sẽ bị kích ứng và viêm, có thể gây ra cảm giác đau rát. Đó là bởi vì chất nôn có chứa axit tiêu hóa mạnh và enzyme từ dạ dày của bạn. Trên thực tế, độ pH trung bình của dịch tiêu hóa của bạn là từ 1,5 đến 2 - độ pH này gần giống như giấm hoặc nước chanh và chỉ có tính axit thấp hơn axit sulfuric một chút.
Nôn một hoặc hai lần sẽ không thực sự làm bỏng rát cổ họng của bạn, mặc dù bạn có thể cảm thấy khá nóng rát. Nhưng nôn mửa thường xuyên có thể gây ra những tổn thương như viêm thực quản - một tình trạng gây cảm giác đau rát họng và khó nuốt; thậm chí là tổn thương rách thực quản. Các triệu chứng rách niêm mạc họng thường bao gồm:
- Đau ngực
- Đau bụng
- Đau cổ
- Khó nuốt
- Thay đổi giọng nói
- Sốt, ớn lạnh
- Thức ăn, chất lỏng và nước bọt tràn khỏi thực quản và khoang ngực, bụng,
- Tăng nhịp tim
- Nôn ra máu.
Nếu gặp phải các triệu chứng kể trên, bạn cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để được cấp cứu.
Đau họng sau khi nôn có nhiều nguyên nhân. (Ảnh: Internet).
Có 3 tình trạng có thể khiến cơn đau họng trầm trọng hơn do nôn mửa, cụ thể:
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay còn gọi là GERD xảy ra khi axit từ dạ dày thường xuyên trào lên cổ họng hoặc miệng. Theo Mayo Clini, axit có thể gây kích ứng niêm mạc cổ họng của bạn, gây đau và khó nuốt. GERD cũng có thể gây ra cảm giác nóng rát ở ngực, hay còn gọi là ợ nóng và ho (thường được gọi là ho GERD). Bạn thậm chí có thể thức dậy với cơn đau họng do GERD.
Nếu bạn bị trào ngược dạ dày thực quản, việc nôn mửa có thể khiến niêm mạc cổ họng vốn đã nhạy cảm của bạn càng trở nên tồi tệ hơn với nhiều triệu chứng hơn.
Viêm thực quản
Viêm thực quản do nguyên nhân khác như trào ngược dạ dày thực quản hoặc một số bệnh tự miễn cũng sẽ trầm trọng hơn do nôn mửa.
Loét, nhiệt miệng
Vết loét, nhiệt miệng có thể hình thành trên nướu, lưỡi, vòm miệng hoặc bên trong môi, má của bạn. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra vết loét này, chẳng hạn như do vô tình cắn vào lưỡi hoặc má hoặc do ăn thực phẩm có tính axit, nhưng chúng cũng có thể hình thành do căng thẳng hoặc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như bệnh Crohn hoặc bệnh Celiac.
Tiếp xúc với bất kỳ loại axit nào (như thực phẩm hoặc đồ uống có tính axit) cũng có thể gây kích ứng vết loét miệng và làm chậm quá trình lành vết thương.
2. Cách làm dịu cổ họng sau nôn mửa
Nhìn chung thì cổ họng đau hay nóng rát sau nôn mửa sẽ không kéo dài quá lâu. Nếu bạn chỉ nôn một hoặc hai lần thì sau vài giờ cổ họng của bạn sẽ dễ chịu hơn. Tuy nhiên nếu bạn gặp phải một tình trạng sức khỏe nào đó khiến bạn nôn nhiều lần hơn thì cổ họng có thể mất tới sáu đến tám tuần để có thể lành lại hoàn toàn và tối đa ba tháng để các triệu chứng biến mất.
Hãy thử các biện pháp tự nhiên giảm đau họng sau nôn trước khi dùng thuốc OTC. (Ảnh: Internet)
Dưới đây là một số cách làm dịu cổ họng sau nôn mà bạn có thể tham khảo để giảm đau nhanh chóng hơn:
2.1. Kiểm soát tình trạng nôn
Việc hạn chế nôn lần tiếp theo sẽ giúp cổ họng ít bị kích ứng hơn. Nếu bạn vẫn cảm thấy tiếp tục buồn nôn, hãy thử dùng một số biện pháp không kê đơn như dùng gừng hay thuốc không kê đơn để giảm cảm giác buồn nôn và nôn bằng cách thư giãn các cơ dạ dày.
Ăn gì để giảm buồn nôn?
Gừng
Gừng có tính chất chống buồn nôn và được sử dụng để giảm cảm giác khó chịu ở dạ dày. Nhiều người dùng gừng trong trà hoặc kẹo gừng để giảm triệu chứng.
Bánh mì nướng, bánh quy giòn
Những thực phẩm khô như bánh quy giòn có thể giúp hấp thụ axit dạ dày và giảm cảm giác buồn nôn.
Bạc hà
Bạc hà có thể giúp thư giãn cơ trơn của dạ dày và giảm cảm giác buồn nôn, thường được sử dụng dưới dạng trà bạc hà ấm.
Nước
Những thực phẩm này có thể làm dịu triệu chứng buồn nôn và dễ dàng được tiêu hóa khi dạ dày của bạn không ổn định.
2.2. Giữ đủ nước
Sau khi nôn, điều quan trọng là bạn cần giữ đủ nước cho cơ thể bằng mọi cách, đặc biệt là những chất lỏng giúp làm dịu mô cổ họng và tăng tốc độ chữa lành. Nước lọc, nước điện giải đều rất tốt nhưng bạn có thể ưu tiên lựa chọn thêm các loại chất lỏng như trà ấm hoặc súp ấm để họng dễ chịu hơn cũng như dạ dày cũng dễ dung nạp hơn sau khi nôn.
Sau khi nôn, nên ăn gì?
Như đã nói ở trên, những thực phẩm dễ tiêu hóa là lựa chọn nên ưu tiên nếu bạn đang thắc mắc sau khi nôn nên ăn gì.
Hãy thử các loại thực phẩm như chuối, cơm, sốt táo, bánh mì nướng khô, bánh quy giòn(những thực phẩm này được gọi là chế độ ăn BRAT). Trong 24 - 48 giờ sau lần nôn cuối cùng, hãy tránh những thực phẩm có thể gây kích ứng hoặc khó tiêu hóa như rượu, caffeine, chất béo/dầu, thức ăn cay, sữa hoặc phô mai.
2.3. Thử một chút mật ong hoặc viên ngậm
Một trong những cách để giảm đau họng tự nhiên phổ biến nhất chính là mật ong. Mật ong có tính kháng viêm và kháng khuẩn có thể tạm thời phủ lên lớp mô cổ họng giúp giảm kích ứng, một đánh giá vào tháng 8/2021 trên BMJ cho biết. Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên sử dụng mật ong nguyên chất và không nên pha nó với nước quá nóng vì điều này có thể làm mất đi một số tính chất có lợi của mật ong.
Viên ngậm hoặc kẹo cứng cũng có thể giúp giảm nóng rát và đau họng.
2.4. Máy tạo độ ẩm
Đặt thêm máy tạo độ ẩm cạnh giường hoặc cạnh sofa để bổ sung thêm độ ẩm cho không khí mà bạn hít thở. Độ ẩm tăng thêm sẽ giúp mô cổ họng của bạn đủ ẩm, đặc biệt là khi ngủ để giảm tình trạng nóng rát và kích ứng họng sau nôn.
Lưu ý bạn cần vệ sinh máy bù ẩm hàng ngày nếu không muốn vi sinh vật gây bệnh có môi trường thuận lợi để phát triển và gây bệnh cho bạn.
Cổ họng không đủ ẩm có thể tăng kích ứng và đau rát. (Ảnh: Internet).
2.5. Tránh xa các chất gây kích ứng
Bạn nên tránh xa thực phẩm hoặc đồ uống có tính axit có thể khiến cổ họng bạn cảm thấy tệ hơn. Và cố gắng tránh ở gần bất cứ thứ gì có thể khiến bạn ho, như khói thuốc hoặc các sản phẩm tẩy rửa mạnh.
2.6. Thuốc không kê đơn
Nếu các biện pháp tự nhiên không đem lại hiệu quả, bạn có thể thử một số loại thuốc không kê đơn để giảm đau, chẳng hạn:
- Acetaminophen
- Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
- Các loại xịt có chứa phenol
Nếu bạn đang có vết loét dạ dày hoặc tình trạng khác gây trào ngược và đau họng, hãy thảo luận với bác sĩ về rủi ro khi sử dụng một số loại thuốc giảm đau như ibuprofen. Để giảm đau họng do ợ nóng và trào ngược, một số loại thuốc kháng axit không kê đơn có thể giúp ích.
3. Khi nào đau họng do nôn mửa cần thăm khám bác sĩ?
Nếu bạn thường xuyên bị nôn mửa, điều quan trọng là thăm khám bác sĩ sớm để tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì và có biện pháp quản lý kiểm soát triệu chứng bệnh, bao gồm buồn nôn và nôn mửa. Chẳng hạn như việc thay đổi lối sống có thể giúp ích:
- Điều trị và quản lý bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Tránh các thực phẩm cay nóng, chiên rán hoặc thực phẩm chế biến sẵn
- Kiểm soát cân nặng
- Hạn chế uống rượu bia và đồ uống có cồn
- Tránh ăn quá no dẫn tới đầy bụng và nôn mửa
- Hạn chế uống rượu bia quá nhiều
- Không nên nằm ngay sau khi ăn no,...
Hãy gặp bác sĩ sớm nếu cơn đau rát họng sau nôn kéo dài hơn một vài ngày và bạn bị nôn nhiều hơn một ngày. Các triệu chứng mất nước hoặc có tiêu chảy kèm theo cũng cần thăm khám bác sĩ sớm. Nếu có dấu hiệu rách họng như đau dữ dội, nôn ra máu thì đây là trường hợp y tế cần cấp cứu khẩn cấp.