Cách xử trí khi trẻ nôn

Hướng dẫn xử trí khi trẻ nôn

Nôn là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ, khi hệ tiêu hóa còn yếu và các van ở dạ dày hoạt động chưa đồng bộ.

Thông thường, trẻ có triệu chứng nôn khi gặp những vấn đề đường tiêu hóa. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể do nguyên nhân ngoài đường tiêu hóa. Nôn có thể là dấu hiệu của một bệnh lý thông thường hoặc báo động một bệnh lý nguy hiểm.

Do đó, cha mẹ cần hiểu rõ về tình trạng này để quyết định khi nào có thể cho trẻ ở nhà theo dõi và xử trí phù hợp, khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Nguyên nhân nôn

Theo tiến sĩ Lê Bích Liên, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nôn có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau tùy vào độ tuổi của trẻ.


Nôn là triệu chứng thường gặp ở trẻ. (Ảnh minh họa).

Cụ thể, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi, các nguyên nhân thường bao gồm:

  • Trào ngược dạ dày thực quản sinh lý hoặc bệnh lý. Điều này khó phân biệt nên người lớn cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ chẩn đoán và điều trị.
  • Bệnh lý ngoại khoa như hẹp môn vị dạ dày, lồng ruột, tắc ruột… Nếu trẻ nôn nhiều hay dịch nôn có màu bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
  • Nôn kèm với sốt: Trong trường hợp này, có thể, trẻ bị nhiễm siêu vi, nhiễm trùng đường ruột hoặc nhiễm trùng nơi khác trong cơ thể.
  • Tư thế cho bé bú hoặc ăn dặm chưa đúng cách.

Trong khi đó, với trẻ trên 12 tháng tuổi, nguyên nhân nôn có thể là:

  • Nhiễm siêu vi, viêm dạ dày ruột hay ngộ độc thực phẩm. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất. Lúc này, nôn thường bắt đầu đột ngột và hết trong vòng 24 đến 48 giờ. Ngoài ra, trẻ còn có một số triệu chứng khác như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, sốt.
  • Một số nguyên nhân khác có thể gặp là trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm màng não, nhiễm trùng đường ruột, tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột thừa…

Làm gì khi trẻ nôn?

BS Liên hướng dẫn một số cách xử trí ngay khi trẻ nôn cha mẹ có thể làm là:

  • Nghiêng đầu trẻ sang một bên để tránh hít sặc chất nôn. Nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng mũi trẻ bằng cách hút mũi, quấn gạc ngón tay thấm hết chất nôn trong miệng trẻ. Nếu trẻ trớ khi đang ngủ, nên để trẻ nằm yên, kê đầu cao và nghiêng qua bên để tránh trào ngược và hít sặc.
  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ.
  • Tránh bế xốc trẻ lên khi đang nôn trớ vì tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi.

Một lưu ý quan trọng khác sau khi trẻ nôn là phụ huynh cần theo dõi sát dấu hiệu mất nước ở con. Một số dấu hiệu mất nước nhẹ bao gồm cảm giác khát nước, môi hơi khô.

“Trẻ bị mất nước nhẹ thường không cần đi khám ngay. Tuy nhiên, cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến để phát hiện kịp thời các dấu hiệu của tình trạng mất nước nặng hơn”, BS Liên nhấn mạnh.


Bù nước là nhiệm vụ quan trọng khi trẻ nôn. (Ảnh minh họa: Pediatrics of Florence).

Cụ thể, một số dấu hiệu mất nước vừa và nặng là môi khô nhiều, mắt trũng, khóc không thấy nước mắt, tiểu ít, tay chân lạnh, lừ đừ, mạch nhanh, sốc trụy tim mạch… Khi trẻ có một trong các dấu hiệu này, gia đình phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.

Bù dịch bằng đường uống sẽ là nhiệm vụ quan trọng lúc này. Theo BS Liên, dung dịch bù nước tốt nhất là oresol, giúp bù lại nước và các chất điện giải (natri, kali, clorua) bị mất do nôn và tiêu chảy. Oresol không dùng điều trị nôn ói nhưng giúp ngăn ngừa và điều trị mất nước.

Đối với trẻ bị mất nước nhẹ, cha mẹ có thể cho trẻ uống oresol tại nhà. Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý phụ huynh nên kiên nhẫn cho trẻ uống từng ngụm nhỏ, đút chậm mỗi 1-2 phút bằng muỗng nhỏ để hạn chế bị trớ. Lượng oresol trẻ cần uống trong vòng 4 giờ là 50 ml cho mỗi kg cân nặng. (Ví dụ trẻ 10 kg, lượng oresol cần bù là 500 ml).

Mặt khác, với trẻ không bị mất nước hay đã hết dấu hiệu mất nước, gia đình có thể tiếp tục cho uống oresol hoặc nước đun sôi để nguội giữa các đợt nôn để ngăn ngừa tình trạng mất nước.

Một lưu ý là không nên cho trẻ uống các loại nước trái cây và đồ uống khác để bù dịch cho trẻ như nước khoáng có chất điện giải, các loại nước ngọt, nước có ga.

Về chế độ ăn, BS Liên cho hay nếu trẻ không có dấu hiệu mất nước, gia đình có thể tiếp tục cho trẻ ăn bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ có dấu hiệu mất nước, sau khi bù nước trong vòng 2-3 giờ, trẻ bớt nôn, chúng ta mới có thể bắt đầu cho ăn lại.

“Nguyên tắc là cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa và chia thành nhiều cữ nhỏ”, vị chuyên gia lưu ý.

Ngoài ra, đối với trẻ còn bú mẹ, gia đình có thể tiếp tục cho bú sữa mẹ vì sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn so với các dung dịch bù nước. Tuy nhiên, BS Liên khuyến cáo nên cho con bú từng chút một, nhiều lần vì trẻ rất dễ bị nôn khi có thức ăn vào miệng.

Chúng ta nên cho bé bú 5-10 phút, ngưng 30 phút rồi bú tiếp. Người lớn theo dõi khoảng 2-3 giờ, nếu nôn giảm, trẻ ổn định, chúng ta có thể cho bú như bình thường. Nếu không cải thiện, phụ huynh nên cho trẻ đi khám.

Đối với trẻ lớn hơn, chúng ta không cố gắng ép trẻ ăn, nhất là trong 24 giờ đầu. Thay vào vào đó, nên khuyến khích trẻ uống nước bù dịch. Song song với đó, cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa như cháo thịt nạc, súp, sữa chua... hạn chế các thức ăn nhiều chất béo vì khó tiêu.

Vì nôn ói là một phản ứng có lợi, giúp cơ thể loại bỏ yếu tố gây bệnh, các chất có hại, BS Liên lưu ý gia đình chỉ nên dùng các thuốc chống nôn trong trường hợp trẻ nôn quá nhiều, gây nguy cơ mất nước hoặc giảm say tàu xe.

Tuy nhiên, những loại thuốc này cần được bác sĩ chỉ định, không nên tự ý dùng cho trẻ.

Vị chuyên gia khuyến cáo gia đình nên cho trẻ đi khám ngay khi xuất hiện một trong các dấu hiệu nguy hiểm sau:

  • Trẻ sơ sinh nôn nhiều, bú kém, bỏ bú
  • Nôn kéo dài hơn 24 giờ
  • Dịch nôn có màu bất thường: Có máu (đỏ hoặc nâu) hoặc màu vàng xanh (dịch mật)
  • Dấu hiệu mất nước vừa đến nặng
  • Đau bụng nhiều
  • Đi tiêu ra máu
  • Sốt từ 38,5 độ C trở lên trong 3 ngày hoặc sốt cao trên 39 độ C
  • Bé li bì, lừ đừ hoặc kích thích, quấy khóc bất thường
  • Co giật.

Giải mã bí ẩn về chủng tộc của người Ai Cập cổ đại

Quái vật nửa tỉ tuổi hiện hình nguyên vẹn, đẹp như phù điêu ở Trung Quốc

Phát hiện cặp rắn lạ màu cam cực độc trong bãi đậu xe ở Australia

Cập nhật: 15/10/2022 Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video