Cái tên gây tranh cãi của kính viễn vọng 10 tỷ USD

Nhiều nhà khoa học cho rằng cái tên James Webb gợi nhắc đến một thời kỳ đen tối trong lịch sử nước Mỹ, và chỉ sử dụng tên viết tắt của kính viễn vọng.

Kính viễn vọng không gian James Webb, hay JWST, được đặt theo tên James Webb, người đứng đầu Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trong thời kỳ cơ quan này phát triển Chương trình Apollo đã đưa con người lên Mặt trăng. Trong những năm 1950 và 1960, Webb cũng từng giữ nhiều vị trí cao trong chính phủ Mỹ ở các lĩnh vực ngoại giao và an ninh nội địa.

Đây cũng là khoảng thời gian chính phủ Mỹ có các chính sách truy tìm và bài trừ người đồng tính khỏi các cơ quan nhà nước, còn được gọi là chính sách “lavender scare” của những năm 1950.


Gương chính của kính viễn vọng không gian James Webb, với khả năng theo dõi ánh sáng đỏ từ những thiên hà xa xôi nhất. (Ảnh: NASA).

Lịch sử bài trừ người đồng tính

Khi bắt đầu lãnh đạo NASA vào năm 1961, Webb chịu trách nhiệm một phần trong việc thực hiện chính sách bài trừ người đồng tính, theo bài viết của một nhóm các nhà thiên văn học đăng trên Scientific American. Webb đã biết về chủ trương này từ những năm 1950, và việc bài trừ người đồng tính khỏi chính quyền được thực thi bởi những người làm việc dưới quyền ông.

Nhiều nhà khoa học khác cũng lên tiếng phản đối việc ghi danh Webb cho kính thiên văn, cho rằng cách đặt tên này làm gợi nhớ đến một thời kỳ đen tối và đáng ghét trong lịch sử Mỹ, và kêu gọi NASA đổi tên.

“Thật là đạo đức giả khi NASA khăng khăng ghi công Webb cho những tiến bộ trong thời kỳ ông ta lãnh đạo, nhưng lại không "ghi tội" Webb cho những vấn đề trong thời kỳ đó”, nhóm các nhà thiên văn học Chanda Prescod-Weinstein, Sarah Tuttle, Lucianne Walkowicz và Brian Nord cho biết. 4 nhà thiên văn học này đã khởi xướng một kiến nghị yêu cầu NASA đổi tên JWST.

Tuy nhiên kiến nghị đổi tên kính viễn vọng 10 tỷ USD đến nay đã bị NASA từ chối 2 lần. Cơ quan này cho biết các cuộc điều tra nội bộ không tìm thấy bằng chứng rằng Webb trực tiếp liên quan đến các chính sách bài trừ người đồng tính. Quyết định này của NASA tiếp tục gây bức xúc trong giới thiên văn học.

“Bỏ qua” tên James Webb

“Tôi không cần phải xem bằng chứng cho thấy Webb đã đích thân giám sát việc sa thải những người LGBTQ+ để biết rằng cái tên này không đại diện cho tương lai của nghiên cứu thiên văn”, Rolf Danner, một trong những người đứng đầu Ủy ban Các nhóm thiểu số về tính dục và giới tính, thuộc Hiệp hội Thiên văn Mỹ, cho biết.

“Cá nhân tôi thất vọng vì NASA sẽ không đổi tên JWST", McKinley Brumback, một thành viên khác trong Ủy ban này, nói.

Bất chấp quyết định của NASA, nhiều cộng đồng thiên văn học đang đưa ra các biện pháp xóa tên "thủ công" nhằm bỏ qua cái tên James Webb. Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia ở London đã áp dụng chính sách chỉ sử dụng tên viết tắt JWST trong các ấn phẩm của mình, thay vì tên đầy đủ của kính thiên văn.

Hiệp hội Thiên văn học Mỹ thì ra thông báo rằng các nhà thiên văn học được viết tắt là JWST ngay từ lần đầu tiên nhắc đến trong bài viết. Thông thường, Hiệp hội này yêu cầu viết đầy đủ tên riêng ít nhất một lần trước khi viết tắt.

Cuộc tranh cãi này sẽ khiến NASA phải cân nhắc cẩn thận hơn việc đặt tên cho các thiết bị trong tương lai, theo Nature. Quyết định đặt tên JWST do Sean O’Keefe, một Cựu giám đốc NASA, đơn phương đưa ra mà không tham khảo ý kiến cộng đồng.

NASA cho biết trong tương lai sẽ triệu tập một ủy ban để tiến hành “xem xét lịch sử và pháp lý kỹ lưỡng” trước khi chọn tên cho các thiết bị và chương trình không gian.

Cập nhật: 05/12/2022 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video