Candida auris - Thứ nấm kháng thuốc bí ẩn đang đe dọa sự sống còn của toàn nhân loại

Tháng Năm vừa rồi, một người đàn ông đứng tuổi được đưa vào chi nhánh Brooklyn của Viện Mount Sinai, nhằm thực hiện một ca phẫu thuật bụng đơn giản. Nhưng khi thử máu, bác sĩ phát hiện ra ông đã nhiễm phải một loại khuẩn bí ẩn và chết chóc. Người đàn ông nhanh chóng bị cách ly trong khu điều trị đặc biệt.

Thứ bệnh đáng sợ là một loài nấm có tên Candida auris, tập trung tấn công vào những cá nhân có hệ miễn dịch đang yếu, và trong im lặng, chúng đang lan tới mọi ngõ ngách Địa cầu. Trong suốt 5 năm qua, nó đã xuất hiện tại một đơn vị chăm trẻ sơ sinh tại Venezuela, tấn công một bệnh viện tại Tây Ban Nha, ép một trung tâm chăm sóc sức khỏe tại Anh phải dừng hoạt động, cắm rễ tại đất Ấn Độ, Pakistan và Nam Phi.

Mới đây thôi, C. auris đã chạm tới New York, New Jersey và Illinois, khiến Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) phải ngay lập tức đưa loài khuẩn chết người vào danh sách “mối đe dọa khẩn cấp”.

Người đàn ông nhiễm bệnh tại cơ sở Mount Sinai qua đời sau 90 ngày nhập viện, nhưng C. auris thì không. Các thử nghiệm cho thấy nó xuất hiện ở mọi bề mặt trong phòng chăm bệnh, khó lường đến mức bệnh viện đã phải dùng tới công cụ làm sạch đặc biệt, phải bóc cả những mảng trần và tường dính C. auris để có thể triệt tiêu loài khuẩn ghê sợ.

Mọi thứ đều dương tính với khuẩn - tường phòng, giường bệnh, cửa ra vào, rèm cửa sổ, điện thoại, bồn rửa, bảng trắng, cọc có trong phòng, máy bơm nước”, giám đốc bệnh viện, ông Scott Lorin kể lại trong hãi hùng. “Ga giường, khung giường, lỗ thông khí, tấm chắn sáng cửa sổ, trần nhà, mọi thứ trong phòng đều dương tính”.

Một phần lý do C. auris đáng sợ: nó miễn nhiễm với những thứ thuốc kháng nấm chính ngành dược đang có, biến nó trở thành case-study mới nhất trong danh sách dài những yếu tố ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe nhân loại. Đây là làn sóng mới của vi khuẩn kháng thuốc.

Nhiều thập kỷ nay, các chuyên gia sức khỏe đã đưa lời cảnh báo về nạn lạm dụng thuốc khác sinh có nguy cơ làm giảm tác dụng của thuốc, những thứ thần dược cứu sống nhân loại vào cái thời chỉ cần đứt tay cũng mất mạng. Nhưng gần đây, không chỉ khuẩn mà nấm cũng đã kháng thuốc, khiến ngành y học hiện đại lại có thêm khía cạnh nguy hiểm để mà lo lắng.

Đây là vấn đề nghiêm trọng”, Matthew Fisher, giáo sư về những vụ bùng phát bệnh liên quan tới nấm tại Đại học Hoàng gia London, đồng tác giả của một nghiên cứu về sự xuất hiện của nấm kháng thuốc, cho hay. “Chúng ta chỉ biết dựa vào cách chữa bệnh bằng thuốc kháng nấm”.

Nhưng ngay cả khi những lãnh đạo đầu ngành y tế liên tục kiến nghị cần khắt khe hơn trong việc kê đơn thuốc kháng sinh, bước đầu cần thiết để chống vi khuẩn và nấm kháng thuốc, thế nhưng những trạm xá, các bệnh viện và kể cả ngành chăn nuôi vẫn tiếp tục lối sử dụng kháng sinh vô tội vạ.

Vi khuẩn kháng thuốc vẫn được gọi cái tên “thân thương” là siêu khuẩn, chúng không phải kẻ sát nhân, mà chỉ tấn công những cá nhân có hệ miễn dịch yếu hoặc những cơ thể chưa trưởng thành. Người già, trẻ nhỏ, người hút thuốc, người béo phì và những người mắc bệnh tự miễn dịch là những nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Các nhà khoa học cảnh báo: nếu không thể tìm ra được loại thuốc mới và chặn đứng việc dùng kháng sinh bừa bãi, siêu khuẩn sẽ lan ra cả bộ phận dân cư khỏe mạnh. Một nghiên cứu do chính phủ Anh Quốc thực hiện chỉ ra rằng nếu ta không sớm ra tay ngăn chặn tốc độ lây lan của khuẩn kháng thuốc, 10 triệu người sẽ bỏ mạng vào năm 2050, nhiều hơn con số người chết vì ung thư ước tính.

Tại Mỹ, 2 triệu người mắc phải chứng bệnh liên quan tới khuẩn kháng thuốc, CDC ước tính trong số đó có 23.000 người bỏ mạng. Những dữ liệu trên được đưa ra dựa trên kết quả điều tra hồi năm 2010, những ước tính mới hơn được Đại học Dược Washington thực hiện chỉ ra con số tử vong phải lên tới 162.000. Số người bỏ mạng toàn cầu phải ngót nghét 700.000.

Thuốc kháng sinh và thuốc kháng nấm đều là mũi nhọn tấn công của phe người, nhưng thuốc kháng khuẩn cũng là yếu tố được dùng bừa bãi trong ngành chăn nuôi, thuốc kháng nấm thì được sử dụng rộng rãi trong trồng trọt. Một số nhà khoa học chỉ ra bằng chứng cho thấy thuốc diệt nấm dùng trong nông nghiệp đã giúp nấm kháng thuốc tìm được chỗ đứng trong xã hội hiện đại.

Vấn đề thì ngày một nan giải, nhưng đại đa số chúng ta chưa hiểu bản chất vấn đề và mức độ nghiêm trọng của nó - một phần bởi bệnh tật liên quan tới siêu khuẩn vẫn bị nhiều người có trách nhiệm bưng bít.

Bệnh viện cũng như chính quyền địa phương sợ rằng nếu công bố tin tức về việc bùng nổ dịch bệnh, người ta sẽ coi những nơi khởi nguồn tin tức chính là điểm phát tán bệnh tật. Thậm chí cả CDC cũng bị ràng buộc bởi luật lệ bang, không được phép công bố địa điểm hay tên những cơ sở y tế có liên quan. Chính quyền nhiều nơi chỉ dừng lại ở “biết là bệnh có xuất hiện tại địa phương”, rồi từ chối công bố tin chính thức.

Trong lúc con người không làm gì, vi khuẩn không ngồi lại bàn bạc xem tấn công vào đâu thì hiệu quả nhất; chúng vẫn cứ phát tán mà không bị kiểm soát chặt chẽ. Chúng tới từ tay người bệnh và người tiếp xúc với nguồn bệnh, những dụng cụ y tế chưa được tiệt trùng triệt để, từ nguồn thịt nhiễm bệnh hay từ những thứ rau được bón phân nhiễm khuẩn. Thực phẩm mang khuẩn đi theo đường không tới muôn nơi, bệnh nhân từ thương xá mang bệnh về địa phương.

C. auris, thứ đã sinh sống trong cơ thể người đàn ông tại viện Mount Sinai, chỉ là một trong hơn một chục vi khuẩn và nấm có khả năng kháng thuốc.

Nấm Candida thường xuất hiện khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn máu, tuy nhiên những loại Candida khác chưa xuất hiện khả năng kháng thuốc, duy chỉ có những Candida auris mang khả năng quái dị. Ước tính hơn 90% những bệnh liên quan tới C. auris kháng ít nhất một loại thuốc, khoảng 30% lượng C. auris kháng hai loại thuốc trở lên.

Bác sĩ Lynn Sosa, một chuyên viên dịch tễ học thuộc bang Connecticut, cho rằng C. auris là mối nguy hàng đầu trong cuộc chiến chống siêu khuẩn kháng thuốc. “Về cơ bản, bệnh không chữa được và rất khó phát hiện”.

Phải tới một nửa số bệnh nhân nhiễm C. auris thiệt mạng trong vòng 90 ngày, thế nhưng những chuyên gia hàng đầu thế giới vẫn chưa xác định được nguồn gốc loài khuẩn đáng sợ. “Nó là sinh vật ngoi lên từ đầm lầy đen đúa”, giáo sư Tom Chiller, đứng đầu chi nhánh xử lý bệnh liên quan tới nấm của CDC cho hay. “Ban đầu chỉ là những bong bóng khí nổi lên đây đó, và giờ nó đã phát tán khắp nơi”.

"Không cần phải cho công chúng biết đâu"

Cuối năm 2015, bác sĩ Johanna Rhodes, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ Đại học Hoàng gia London nhận được cuộc gọi khẩn từ Bệnh viện Hoàng gia Brompton, một trung tâm y tế tại thủ đô London: C. auris đã xuất hiện tại đây được 3 tháng rồi, nhưng bệnh viện không thể triệt tiêu được nó bằng bất kỳ cách nào.

“‘Chúng tôi không biết nó tới từ đâu. Thậm chí còn chưa từng nghe về nó, nó cứ liên tục lan ra như cháy rừng vậy”, bà Rhodes nhớ lại nội dung cuộc gọi. Bà đồng ý hợp lực với bệnh viện, diệt trừ tận gốc mầm bệnh quái ác.

Dưới sự chỉ đạo của bà Johanna Rhodes, nhân viên bệnh viện sử dụng một cỗ máy đặc biệt, xịt lên tường phòng - nơi từng chữa trị bệnh nhân C. auris - chất khử trùng hydro peroxid. Trên lý thuyết, hơi thuốc sẽ len lỏi vào mọi ngõ ngách, khử sạch mọi dấu vết mầm bệnh, họ đã cẩn thận cho máy chạy liên tục một tuần. Ở giữa phòng, họ đặt một cái đĩa đựng một thứ gel đặc biệt, cho phép mọi vi khuẩn sống sót sau đợt thanh trừng có thể trú ngụ.

Chỉ một sinh vật duy nhất tiếp tục phát triển trong cái đĩa, nó là C. auris.

Mầm bệnh lan ra, nhưng những lời cảnh báo về nó thì không. Bệnh viện danh tiếng này là địa danh được những tỷ phú giàu có tin tưởng, đã thông báo lên chính phủ Anh Quốc và liệt kê danh sách những bệnh nhân lây nhiễm, thế nhưng họ không công bố chính thức tình hình đáng lo ngại.

Không cần phải cho báo đài biết về vụ bùng phát dịch bệnh đâu”, Oliver Wilkinson, phát ngôn viên của bệnh viện cho hay.

Bệnh viện ở khắp nơi trên thế giới đều làm theo phương pháp kín tiếng này. Những tổ chức tầm cỡ quốc gia đều không sẵn sàng thông báo cho người dân biết một đại dịch khuẩn kháng thuốc đang đe dọa sự tồn vong của nhân loại, đưa ra lý luận: không lý gì để khiến bệnh nhân hiện tại và tương lai phải lo sợ bệnh viện cả.

Bác sĩ Silke Schelenz, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoàng gia Brompton ức chế vô cùng khi thấy những người có thẩm quyền không đưa ra quyết định gì khi cơn bùng nổ dịch bệnh vẫn còn đang thai nghén.

Đến cuối tháng Sáu năm 2016, một trang tin khoa học nhắc tới "50 trường hợp nhiễm C. auris" tại Bệnh viện Brompton, lúc đó ban quản lý viện mới đưa ra biện pháp đối phó: đóng cửa khoa hồi sức cấp cứu trong 11 ngày, chuyển bệnh nhân tới tầng khác và rồi… không đưa ra thêm thông báo gì.

Nhiều ngày sau, họ mới khẳng định với báo giới rằng bệnh viện đã gặp vấn đề với siêu khuẩn. Ngay lập tức, tờ The Daily Telegraph đưa tin: "Phòng hồi sức cấp cứu dừng hoạt động sau khi siêu khuẩn chết người mới xuất hiện tại Anh". Những báo cáo sao này chỉ ra tổng cộng 72 người nhiễm khuẩn, nhưng vài người trong số đó chỉ mang bệnh trên người, chứ không bị ảnh hưởng gì bởi C. auris.

Thế nhưng báo đài quốc tế không hay biết gì về vụ việc; trong khi đó, một vụ bùng phát diễn ra tại Valencia, Tây Ban Nha, tại bệnh viện sức chứa 992 giường có tên Hospital Universitari i Politècnic La Fe. Cả công chúng lẫn người không nhiễm bệnh đều không biết rằng C. auris đã xuất hiện trên cơ thể 372 người, trong số đó 85 người đã có triệu chứng nhiễm khuẩn máu. Tạp chí khoa học Mycoses đưa tin: 41% người nhiễm tử vong trong vòng 30 ngày.

Bệnh viện lại tuyên bố: chưa chắc chắn rằng C. auris là thủ phạm hại chết những người xấu số. “Rất khó để xác định người bệnh tử vong bởi mầm bệnh, hay tử vong cùng mầm bệnh, bởi tại thời điểm trút hơi thở cuối cùng, họ đều đang mắc những chứng bệnh hiểm nghèo”, bệnh viện công bố chính thức như vậy.

Cũng giống như Bệnh viện Hoàng gia Brompton, bệnh viện tại Tây Ban Nha cũng không đưa ra công bố bùng phát dịch. Tác giả của bài báo trên Mycoses, một bác sĩ có mặt ngay tại viện, nói rằng ban quản lý viện không muốn bác sĩ tiếp xúc với báo đài, bởi họ lo lắng tới hình ảnh bệnh viện trong mắt cư dân.

Việc giữ bí mật khiến các luật sư đại diện cho bệnh nhân giận dữ tột cùng, họ nói bệnh nhân có quyền biết một vụ bùng phát dịch bệnh đang diễn ra. Họ có thể tự do đưa ra quyết định liệu có tiếp tục thực hiện phẫu thuật tại viện nữa không, nhất là khi bệnh nhân có lịch hẹn phẫu thuật trước, ca phẫu thuật không hề mang tính nguy cấp.

Thế quái nào chúng ta phải đọc tin chậm tới một năm rưỡi, chứ không phải ngay trang nhất trong cái ngày bệnh dịch được phát hiện?”, bác sĩ Kevin Kavanagh, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Health Watch của Mỹ lên tiếng. “Bạn sẽ không chịu ngồi yên nếu như điều tương tự xảy ra với một nhà hàng có trường hợp ngộ độc thực phẩm”.

Các nhà chức trách cho rằng việc công bố tình trạng bùng phát dịch sẽ khiến bệnh nhân thêm lo lắng về sự việc mà họ không thể giúp được gì, nhất là khi nguy cơ bệnh dịch vẫn chưa rõ ràng.

Các quan chức tại London cũng đã liên lạc với CDC, báo tin về vụ bùng phát khuẩn ở Bệnh viện Hoàng gia Brompton. CDC nhận thấy mình cần báo tin sớm cho những bệnh viện tại Mỹ; ngày 24 tháng Sáu năm 2016, CDC đưa ra lời cảnh báo toàn quốc, lập địa chỉ email candidaauris@cdc.gov , giao trách nhiệm duyệt mail cho giáo sư Snigdha Vallabhaneni, một thành viên chủ chốt trong đội ngũ bệnh liên quan tới nấm. Họ dự đoán “vài tháng sẽ có một mail gửi về”.

Họ bất ngờ vô cùng khi thấy hòm thư liên tục bị “oanh tạc”, bởi những báo cáo liên quan tới mầm bệnh chết người.

Bệnh dịch đặt chân tới "miền đất hứa"

Tại Mỹ, báo cáo từ CDC cho thấy tổng cộng 587 ca bệnh nhiễm C. auris, trong đó 309 trường hợp có tại New York, 104 ca bệnh tại New Jersey và 144 ca bệnh tại Illinois.

Triệu chứng nhiễm nấm không có gì đặc biệt - chỉ là sốt, đau mỏi toàn thân, cảm thấy kiệt sức - nhưng một khi đã nhiễm nấm, nhất là với những bệnh nhân không có thể trạng tốt, những triệu chứng thông thường có thể lấy đi tính mạng con người.

Trường hợp nhiễm nấm sớm nhất từng được ghi lại tại Mỹ là vào ngày 6 tháng Năm năm 2013, một phụ nữ nhập viện trong tình trạng khó thở. Người phụ nữ đã 61 tuổi, tới từ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, mất chỉ vài giờ sau khi được chẩn đoán nhiễm C. auris. Tại thời điểm bệnh nhân qua đời, các bác sĩ không đặt quá nhiều câu hỏi nhưng khi CDC đưa ra cảnh báo toàn quốc, họ đã gửi ca bệnh về cho Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Bệnh dịch Hoa Kỳ.

Nó đã lan tới những cơ sở chăm sóc sức khỏe kéo dài. Theo báo cáo của CDC, tại Chicago, 50% người sống tại nhà dưỡng lão nhiễm C. auris. Khảo sát cơ sở cho thấy C. auris phát triển được trong các đường thông khí của tòa nhà.

Những chuyên viên chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm C. auris lo lắng ra mặt khi nghe tin về loại nấm đáng sợ. Bác sĩ Matthew McCarthy, người đã tham gia chữa trị cho một số bệnh nhân nhiễm C. auris tại Trung tâm Y tế Weill Cornell tại New York, mô tả nỗi sợ hãi mà ông ít khi phải đối mặt.

“Tôi đã không muốn chạm vào người bệnh nhân”, ông nói. “Tôi không muốn mang mầm bệnh từ họ để rồi truyền nó đi nơi khác”. Ông vẫn làm tròn bổn phận của mình, nhưng nói thêm rằng: “Nỗi sợ bao trùm lấy tôi, lo rằng liệu mầm bệnh sẽ bám lên đồ đang mặc trên người”.

Thuốc trừ sâu có vai trò gì tron sự lây lan của C.auris?

CDC vẫn làm mọi cách có thể để ngăn ngừa C. auris lây lan, những người điều tra loại nấm chết người thì vẫn đang tìm cách trả lời câu hỏi chưa lời giải đáp: C. auris có nguồn gốc từ đâu?

Lần đầu tiên bác sĩ gặp C. auris là năm 2009, nó đang trốn trong tai của một người phụ nữ Nhật Bản (auris trong tiếng Latin nghĩa là “tai”). Thời điểm đó, ca bệnh chẳng có gì khó, chỉ cần một liều thuốc kháng nấm tai thông dụng.

Ba năm sau, nó xuất hiện trong kết quả khám bệnh trong phòng thí nghiệm của bác sĩ Jacques Meis, một nhà vi trùng học tại Hà Lan, giữa những mẫu máu lấy từ 18 bệnh nhân nhiễm trùng máu tại một bệnh viện ở Ấn Độ. Trong những tháng tiếp theo, những cụm nấm C. auris xuất hiện ở nhiều nơi khác nữa trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu của CDC đưa ra giả thuyết: C. auris xuất phát từ Châu Á và lan ra toàn cầu. Nhưng khi họ so sánh các mẫu gen của C. auris từ Ấn Độ, Pakistan, Venezuela, Nam Phi và Nhật Bản, họ mới thấy nguồn gốc của nấm không hề đến từ những nước trên, bởi những mẫu thu được không chỉ là một chuỗi gen duy nhất.

Chưa có kết quả cuối cùng, các nhà nghiên cứu vẫn đưa ra những giả thuyết về sự xuất hiện của C. auris, mong muốn tìm liên kết những sự kiện đã có để đưa ra kết luận chính xác. Nhà nghiên cứu người Hà Lan, bác sĩ Meis tin rằng nhờ việc sử dụng vô tội vạ thuốc diệt nấm trong trồng trọt, nấm kháng thuốc tìm được đường phát triển.

Lần đầu tiên ông Meis để ý tới nấm kháng thuốc là vụ việc bệnh nhân 63 tuổi tại Hà Lan bỏ mạng năm 2005, nhiễm một loại nấm có tên Aspergillus. Thứ nấm quái ác kháng lại itraconazole, phương pháp trị nấm hiệu quả được sử dụng rộng rãi. Thứ thuốc này là một bản sao không hoàn chỉnh của thuốc trừ sâu zole, sử dụng nhiều trong chăn nuôi, phải chiếm khoảng 1/3 lượng thuốc trừ nấm được bán ra thị trường.

Năm 2013, một báo cáo khoa học đăng tải trên Plos Pathogens viết rằng không phải ngẫu nhiên mà nấm kháng thuốc Aspergillus xuất hiện tại khu vực thuốc trừ nấm azole được sử dụng rộng rãi. Loại nấm này xuất hiện trong 12% mẫu đất được phân tích tại Hà Lan,

Bác sĩ Meis đã tới CDC hồi năm ngoái để chia sẻ những nghiên cứu mình đã thực hiện, đưa ra giả thuyết: điều tương tự đã xảy ra với C. auris, thứ nấm cũng xuất hiện nhiều trong đất; chất azole đã tạo ra một môi trường khó sống với nấm, ép chúng phải tiến hóa để sinh tồn, kết quả là ta có những loại nấm kháng thuốc sống sót được qua những đợt “oanh tạc” thuốc trừ sâu và trừ nấm.

Câu chuyện này tương tự cách khuẩn kháng kháng sinh xuất hiện: cũng là do việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi chứ chẳng đâu xa. Các người ta ứng dụng azole lên mùa màng cũng chẳng khác gì cho gia súc, gia cầm thêm kháng sinh. Còn chưa tính tới việc tận dụng phân đầy kháng sinh của động vật để bón ra đồng, ra vườn.

Bác sĩ Chiller cũng đưa giả thuyết rằng C. auris hưởng lợi từ việc sử dụng thuốc diệt nấm không kiểm soát. Theo ông, C. auris đã tồn tại từ hàng ngàn năm nay, có điều chúng không phải sinh vật có xu hướng tấn công loài khác. Nhưng bởi azole đã tiêu diệt bớt một lượng nấm khổng lồ, C. auris có không gian để phát triển. Thứ nấm vốn đã kháng thuốc nay đã không còn phải cạnh tranh sinh tồn với những thứ nấm đang bị triệt tiêu dần bởi thuốc.

Bí ẩn bao trùm C. auris vẫn chưa có lời giải đáp, thế nhưng cũng chẳng quan trọng nữa rồi: ở thời điểm hiện tại, ta cần tập trung vào việc ngăn ngừa C. auris phát tán.

Mùa Xuân vừa rồi, cô Jasmine Cutler tới thăm người cha 72 tuổi đang dưỡng bệnh tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe ở New York; người cha già đã phải nhập viện do những biến cố xuất hiện sau phẫu thuật.

Khi cô đặt chân tới phòng bệnh, cô thấy người cha đang ngồi đó với cái quần đầy chất thải: đã không ai giúp bệnh nhân 72 tuổi đi vệ sinh. Lúc đó, cô Cutler mới vỡ lẽ, không ai dám giúp cha mình vì thử máu cho thấy bệnh nhân mang C. auris trong người.

Tôi thấy bác sĩ và y tá đứng nhìn từ cửa sổ”, cô Cutler nói. “Cha tôi không phải vật thí nghiệm. Các người không thể đối xử với ông như một quái nhân tại rạp xiếc được”.

Người cha già rồi cũng ra viện, được chẩn đoán là không mang theo C. auris nữa. Tuy vậy, ông từ chối tiết lộ danh tính, vì sợ người ta sẽ nghĩ ông có thể vẫn mang theo loại nấm đáng ghê sợ.

Cập nhật: 05/06/2019 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video