Cảng La Mã cổ đại Ostia từng lớn hơn "thánh địa" Pompeii

Theo thông tin từ Cơ quan giám sát khảo cổ học ở Rome, Italy, một phần ''bí mật'' của cảng La Mã cổ đại Ostia đã được khai quật với những phát hiện được cho là có giá trị lớn hơn cả di tích cổ đại nổi tiếng Pompeii, thành phố bị chôn vùi bởi núi lửa phun vào năm 79 sau Công nguyên.

Cảng La Mã cổ đại Ostia được xây dựng trên cửa sông Tiber, nó đã được xây dựng thành một khu phức hợp khổng lồ dưới thời Hoàng đế Claudius và được đặt tên là Portus-có nghĩa là cảng.

Cảng Ostia này đã được mở rộng dưới thời các hoàng đế kế tiếp như Trajan, Hadrian và phục vụ như một cơ sở quân sự cho những cuộc viễn chinh vĩ đại nhất của đế chế La Mã cổ đại.

Ostia cũng là cảng giao thương thương mại giá trị lớn với các loại hàng may mặc, trang sức, ngũ cốc, vật dụng cần thiết khác để cung cấp cho thành phố thủ đô của La Mã cổ đại.

Những kết quả khảo cổ ngoài mong đợi tiết lộ cho thấy Rome được phân chia làm hai phần bởi dòng sông Tiber trong thế kỷ thứ nhất trước công nguyên.

Các phát hiện có giá trị to lớn, gồm có các tháp canh, nhà kho cũng như những tường bao xung quanh. Các nhà nghiên cứu cho rằng chúng đã bị bỏ lỡ từ những gì được khám phá trong lần khai quật trước tại khu vực khảo cổ khu vực Tây Nam vành đai thành phố Rome ngày nay.

Mariarosaria Barbera, nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan quản lý di sản khảo cổ ở Rome chia sẻ rằng những phát hiện khảo cổ đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của Ostia trong giao dịch thương mại thời gian khoảng 200 năm đầu của thiên niên kỷ thứ nhất.

Các chứng tích khảo cổ ở đây cho thấy một khu vực lưu trữ di tích khảo cổ rộng lớn nằm ở phía Bắc của Ostia trên dòng sông Tiber, gợi lại những tranh luận liên quan đến quy mô của hoạt động trao đổi thương mại thời cổ đại tại cảng Ostia.

Khám phá mới đây chứng minh đường bờ biển cổ đại lùi vào khoảng bốn km so với hiện nay.

Phù sa và dòng chảy của sông Tiber đã bồi đắp làm cho đất liền được mở rộng ra biển, Ostia Antica khu vực cảng cửa sông thời cổ đại hiện nay là một địa điểm khảo cổ quan trọng đã nằm sâu trong đất liền, nó là thành phố La Mã cổ đại được bảo tồn tốt nhất, ngoài Pompeii.


Ảnh: ostia-antica.org

Ostia được các nhà khảo cổ nghiên cứu về La Mã cổ đại so sánh với di tích Pompeii, họ đã khai quật và tìm ra nhiều chứng tích đáng kinh ngạc.

Tháng 7/2013, một lăng mộ và một kiến trúc xây dựng hình khối cổ đại đã được khai quật tại khu vực khảo cổ cảng cổ đại Ostia.

Người đứng đầu Cơ quan quản lý khu di tích khảo cổ ở Ostia, Paola Germoni và giám đốc Viện văn hóa La Mã của Mỹ, Darius Arya, đã công bố phát hiện này.

Germoni cho biết hai cơ quan đã làm việc cùng với 14 nghiên cứu sinh đến từ các trường đại học Mỹ, họ chia ra làm việc trên hai phần của khu vực khảo cổ Ostia.

Họ đã phát hiện ra một lăng mộ hình tròn, bao quanh bởi khối đá vôi được xây dựng giai đoạn đầu vào giữa cuối thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên.

Hơn nữa, một cấu trúc tường từ thời hậu cổ đại cũng được phát hiện dưới đất mùn khu vực khảo cổ.

Trong khu vực được cho là để sử dụng làm bãi thải rác thời cổ đại, các nhà khảo cổ đã tìm thấy mẫu đá cẩm thạch lát vỉa hè rất đẹp, từ thế kỷ thứ 4 - thứ 5 sau Công nguyên.

Germoni cho rằng mẫu gạch đá này từ một ngôi nhà, có lối đi được lát đá biểu thị một sự tinh tế nhất định.

Cũng tại cảng Ostia của đế chế La Mã cổ đại, hồi tháng 4/2011, một con tàu cổ đại đã được khai quật, một phần của mạn thuyền dài 11m.

Anna Maria Moretti, nhà khảo cổ học ở Rome và Ostia, cho biết con tàu tìm thấy là một điều mới lạ, vì ở độ sâu khoảng 4m dưới mặt đất.

Trước đó các nhà khảo cổ chỉ tìm thấy trong lớp đất này chứa đựng kiến trúc công trình. Cô cũng nói rằng các nhà khảo cổ đã tìm thấy ''phần còn lại của dây thừng và cáp'' trong con tàu.

Một số tàu La Mã cổ đã được tìm thấy khi xây dựng các công trình cho sân bay quốc tế Fiumicino gần đó vào những năm 1950.

Hiện nay những chiếc tàu cổ này được đặt trong bảo tàng tại Ostia Antica.

Các nhà khảo cổ và Bộ trưởng Văn hóa Italy lúc đó là Galan cho biết, khám phá này đã khiến cho các chuyên gia phải đánh giá lại về vị trí chính xác của cảng Ostia, nơi hạm đội lớn nhất đế chế La Mã đóng quân và thông qua cảng này hàng hóa giao thương tới kinh đô.

Bộ trưởng Galan cho rằng kết quả này cho chúng ta biết rất nhiều điều về đường bờ biển cổ đại và những gì đã xảy ra khoảng 2 nghìn năm trước đây.

Hiện nay, các nhà khảo cổ cho biết họ hy vọng tìm thấy thêm các di tích khảo cổ trong khu vực, nơi một cầu đường bộ lớn đang được xây dựng lại, nên họ đưa ra một chương trình gọi là ''khảo cổ học phòng ngừa".

Giám đốc Germoni nhấn mạnh rằng công việc này cho phép các cơ quan khảo cổ kết hợp các nhu cầu bảo tồn các đồ tạo tác cổ đại với những nhu cầu của việc phát triển mọi mặt đời sống của xã hội hiện nay.

Mặc dù Ostia cổ đại thu hút du khách ít hơn nhiều so với Pompeii, nhưng nhiều người đam mê văn hóa, khảo cổ và kiến trúc cổ đại lại cho rằng quần thể di tích cổ đại ở Ostia mang cho họ những chiêm nghiệm cũng như cảm giác của cuộc sống vào thời cổ đại xưa.

Theo Vietnam+
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video