Các nhà khoa học đã cảnh báo, căn bệnh phù não do virus Nipah gây ra có nguy cơ chết người ước tính gấp 75 lần so với virus SARS-CoV-2, có thể là đại dịch tiếp theo.
Virus Nipah có nguồn gốc từ dơi ăn quả, được các nhà khoa học ghi nhận là một mối lo ngại nghiêm trọng. Trả lời hãng tin The Sun của Anh, Tiến sĩ Melanie Saville, Giám đốc nghiên cứu và phát triển vaccine thuộc Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh (CEPI) cảnh báo, thế giới hãy chuẩn bị cho "đại dịch lớn" tiếp theo.
Cảnh báo này được đưa ra sau báo cáo của các nhà khoa học về những căn bệnh lây truyền từ động vật sang người, theo đó nhân loại đang đối mặt với nguy cơ gia tăng của các đợt dịch bùng phát rất có thể là do nguyên nhân lây truyền từ động vật.
Báo cáo ghi nhận sự va chạm giữa con người và thiên nhiên, khi đô thị hóa đẩy môi trường sống tự nhiên của động vật lùi lại phía sau. Những trường hợp đầu tiên được ghi nhận do virus Nipah lây nhiễm cho những người chăn nuôi lợn ở Malaysia là theo kịch bản này. Hơn một triệu con lợn được cho là nhiễm virus Nipah do ăn phải quả xoài nhiễm virus từ dơi đã bị giết mổ ở Malaysia để ngăn chúng truyền sang người.
Lợn ăn xoài bị nhiễm bệnh từ dơi cũng trở thành vật mang mầm bệnh. (Ảnh: Alamy).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus Nipah (NiV) là một loại virus lây truyền từ động vật sang người có thể lây truyền qua thực phẩm bị ô nhiễm hoặc trực tiếp giữa người với người. Những người bị nhiễm virus này sẽ bị các bệnh từ nhiễm trùng không có triệu chứng (cận lâm sàng) đến bệnh đường hô hấp cấp tính và thậm chí có trường hợp tử vong do viêm não.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng đưa ra nhiều triệu chứng của bệnh này gồm sốt, nôn mửa, đau đầu, mất phương hướng, co giật và thậm chí hôn mê. CDC cũng lưu ý rằng, các triệu chứng thường xuất hiện từ bốn đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus.
Virus Nipah được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1999 tại Malaysia. Không có vụ bùng phát nào khác được ghi nhận ở quốc gia Đông Nam Á này kể từ đó. Nó cũng đã được báo cáo ở Bangladesh, bắt đầu từ năm 2001. Theo báo cáo của WHO, hầu như mỗi năm, quốc gia này đều trải qua các đợt bùng phát virus.
WHO cũng cho biết, các quốc gia Campuchia, Ghana, Philippines, Indonesia, Madagascar và Thái Lan có nguy cơ lây nhiễm do phát hiện ổ chứa tự nhiên của virus, chủ yếu là loài dơi Pteropus.
Các đợt bùng phát trước đây được ghi nhận ở các vùng của châu Á gây lo ngại vì tỷ lệ tử vong của nó thay đổi từ 40 đến 75%. Ngược lại, theo báo cáo của Đại học Hoàng gia Anh do The Sun trích dẫn, tỷ lệ tử vong đối với dịch Covid-19 chỉ khoảng 1%. Điều này khiến cho đợt bùng phát virus Nipah có khả năng nguy hiểm hơn.
Phù não do virus Nipah không phải là hiểm họa đại dịch duy nhất
Các nhà khoa học lo ngại nếu virus Nipah biến đổi để dễ chuyển hóa hơn thì sẽ nó làm nhiều người chết hơn. (Ảnh: Reuters).
Mặc dù virus Nipah có khả năng đe dọa nhiều hơn đại dịch Covid-19, nhưng nó không phải là virus duy nhất - có 260 virus trong số đó, tất cả đều có khả năng gây dịch bệnh.
Tiến sĩ Rebecca Dutch, Chủ nhiệm khoa Hóa sinh phân tử và tế bào, Đại học Kentucky cho biết thêm rằng, mặc dù không có sự bùng phát toàn cầu hiện tại của căn bệnh này nhưng nó vẫn xảy ra theo chu kỳ.
"Nipah là một trong những loại virus hoàn toàn có thể là nguyên nhân gây ra đại dịch mới. Một số điều về Nipah rất đáng quan tâm", Tiến sĩ Dutch nói với The Sun.
Bà cho biết thêm, nhiều loại virus khác trong cùng một họ lây lan giữa người với người, làm tăng khả năng có thể tồn tại một biến thể dễ lây lan hơn của virus Nipah trong tương lai.
Tiến sĩ Saville cũng cảnh báo: "Điều quan trọng nhất là chúng ta không nên chỉ quan tâm đến virus Nipah", bà lưu ý cách các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác đã được công nhận là có khả năng gây đại dịch, trong đó bao gồm cả các mầm bệnh không xác định hiện được gắn thẻ là "Bệnh X".
Theo EcoHealth Alliance, trong số 1,67 triệu virus chưa biết trên hành tinh, có tới 827.000 virus có khả năng lây nhiễm sang người từ động vật.
Trong một nghiên cứu đăng trên Nature Communications, Đông Nam Á, Nam và Trung Phi, các khu vực xung quanh Amazon và miền đông Australia được xác định là những khu vực có nguy cơ mắc bệnh mới cao nhất.
Các nhà khoa học cần phải nghiên cứu về vaccine nhiều hơn để sẵn sàng cho đại dịch tiếp theo. (Ảnh: Getty Images).
"Với những thay đổi về môi trường như biến đổi khí hậu, môi trường sống bị phá hủy và sự xâm lấn của con người vào các khu vực trước đây bị cô lập, sự tương tác giữa con người với nhau đã tạo ra một không gian màu mỡ cho virus xâm nhập giữa các loài”, bà Saville nói.
Tiến sĩ Saville cho biết thêm, CEPI đang xem xét việc sản xuất một thư viện vaccine nguyên mẫu có thể nhắm mục tiêu tất cả các virus corona cùng một lúc.
Theo bà, dựa trên những gì các nhà khoa học đã học được từ Covid-19, họ sẽ thử và loại bỏ nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai.