Cáp treo vốn có nguyên lý "cực kỳ an toàn", vì sao vẫn xảy ra tai nạn?

Được thiết kế với cơ chế an toàn, chịu lực tốt, nhưng nhiều hệ thống cáp treo trên thế giới vẫn xảy ra sự cố đáng tiếc.

Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của cáp treo

Thông thường, cáp treo trên cao bao gồm một hoặc hai dây cáp cố định (gọi là cáp đường ray), một sợi dây cáp nối với vòng quay (gọi là dây kéo) cùng hai cabin chở khách. Theo của Raj Kumar, một chuyên gia về cơ khí vận tải, hệ thống cáp treo có cơ chế "cực kỳ an toàn" và chặt chẽ.

Trong đó, sợi dây cáp cố định - đúng như tên gọi của nó, có tác dụng hỗ trợ thăng bằng cho cabin trong khi hệ thống hoạt động. "Khi cáp chạy, chúng ta có cảm tưởng như cabin trượt trên các sợi dây cáp. Tuy nhiên trên thực tế, nó được cố định với phần lớn hệ thống thông qua một bộ phận giống như tay nắm", Kumar chia sẻ.


Ảnh: Hai sợi dây cố định của cáp treo nằm ngoài, có tác dụng cố định và thăng bằng. Sợi dây kéo ở giữa nối với motor, giúp cabin chuyển động.

Để chuyển động, một motor điện sẽ xoay vòng quay gắn với dây kéo, giống như ròng rọc, cho phép cabin di chuyển theo ý muốn.

Các đường cáp treo được xây dựng như một hệ thống vòng tròn khép kín. Theo đó, các cabin di chuyển từ điểm đến và được đẩy bằng vòng dây cáp. Khi tới điểm đích, chúng đổi hướng, và lại tiếp tục quay trở về nơi xuất phát.

Theo thiết kế tiêu chuẩn, nhà ga ở trạm cuối của cáp treo phải đủ sức để giữ trọng lượng của toàn bộ hệ thống, nhưng đôi khi sức căng quá lớn từ cáp treo khiến nó phải tản bớt lực sang bộ phận 'bollard', gắn trên cục neo bằng đá.

Đây là chi tiết thường được thấy trong các hệ thống cáp treo lên núi. Nhiệm vụ của chúng là giữ cho sợi dây cáp luôn được căng, và không bị chùng xuống do tác động trọng lực.

Để làm được điều này, 'bollard' liên tục di chuyển lên xuống để cân bằng trọng lượng khi hàng trăm người ra/vào cabin. Còn những cục neo bằng đá được cắm xuyên vào lòng núi, tạo chỗ dựa vững chắc cho toàn bộ hệ thống cáp treo. Trung bình, các neo này chịu được trọng tải lên tới 700 tấn.

Tất cả hệ thống máy móc, bao gồm cả động cơ điện cung cấp lực đẩy thường được đặt ở trạm dưới.


Cục neo đá được đặt ở phần thấp nhất của hệ thống cáp treo, có tác dụng giữ căng sợi dây.

Đôi khi, chúng ta cũng hay bắt gặp các cáp treo theo kiểu "sàn treo gondola" (MDG). Tại các hệ thống này, chỉ có một sợi dây được sử dụng để hỗ trợ và tạo lực đẩy. Cáp treo dạng này thường được sử dụng cho khoảng cách ngắn, và số lượng người hạn chế.

Ưu điểm của hệ thống cáp treo MDG là chi phí lắp đặt và vận hành rẻ hơn. Tuy nhiên thay vì chỉ gồm một trạm phía trên, có thể có nhiều trạm trung gian để giúp sợi dây chuyển động liên tục.

Vì sao vẫn có cáp treo gặp tai nạn?


Ít nhất 14 người thiệt mạng và 1 em nhỏ bị thương nặng trong vụ tai nạn kinh hoàng ở vùng núi phía bắc Italy ngày 23/5/2021. (Ảnh: AP)

Theo lý giải của các chuyên gia, một hệ thống cáp treo hoạt động trơn tru, đúng theo nguyên lý và điều kiện lý tưởng hầu như hiếm khi gặp sự cố.

Tuy nhiên, lại có quá nhiều điều yếu tố có thể ảnh hưởng tới cáp treo, một trong số đó là tác động từ môi trường.

Thí dụ như vào năm 2017, một vụ đứt cáp treo nghiêm trọng đã xảy ra tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Gulmarg nổi tiếng, tỉnh Kashmir, Ấn Độ. Nguyên nhân sau đó được xác định là do thời tiết xấu. Cụ thể, gió giật mạnh làm bật gốc cây lớn, rồi đổ vào hệ thống cáp treo gây đứt dây cáp.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sự cố xảy ra do sai sót của con người.


Tàu chở giàn khoan dầu vô tình mắc vào hệ thống cáp treo ở Singapore, khiến 7 người thiệt mạng. (Ảnh: ST).

Điển hình như vào năm 1988, một máy bay của Thủy quân lục chiến Mỹ do bay ở tầm thấp, đã cắt qua cáp treo khu trượt tuyết ở Cavalese, khu vực Dolomites, khiến 20 người thiệt mạng.

Năm 1983, một con tàu chở giàn khoan dầu vô tình mắc vào hệ thống cáp treo ở Singapore, khiến 2 cabin rơi xuống biển ở độ sâu 55m và 7 người thiệt mạng.

Năm 2018, tại khu nghỉ dưỡng Gudauri, Georgia, hệ thống cáp treo bất ngờ đổi hướng và di chuyển rất nhanh theo chiều ngược lại, làm hàng chục người bị văng xuống đất. Vụ việc sau đó được xác định là do lỗi kỹ thuật khi vận hành cáp treo.

Những lưu ý khi đi cáp treo

Tổ chức Accident Care (Mỹ) đưa ra nhiều lời khuyên cho các du khách khi di chuyển trên cáp treo. Lưu ý đầu tiên và trên hết là tăng cường chú ý. Ngay khi bước chân đến khu vực lên xuống cáp treo, hãy quan sát thật kỹ các hướng dẫn an toàn do đơn vị vận hành dịch vụ đưa ra.

Hãy nhớ các nguyên tắc lên xuống và vị trí của thiết bị khẩn cấp, đặc biệt tuân thủ giới hạn tải. Một số vụ tai nạn cáp treo trước đây có nguyên nhân vì chở quá số người quy định, thậm chí gấp đôi.

Nếu trong cáp treo có dây an toàn, hãy sử dụng chúng. Dây an toàn sẽ giúp hành khách tránh va đập trong cabin trong trường hợp va chạm hoặc dừng đột ngột.

Đặc biệt, hành khách cần quan sát điều kiện thời tiết. Thời tiết khắc nghiệt như gió lớn hoặc băng giá có thể làm tăng đáng kể nguy cơ tai nạn.

Trong khi đó theo khuyến cáo của CDC (Mỹ), trong suốt chuyến đi, hành khách nên ngồi yên và tránh di chuyển không cần thiết, không nghiêng người hoặc đứng khi cáp treo đang lên xuống.

Nếu xảy ra sự cố, hành khách cần giữ bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của người điều khiển. Trước hết, hãy kiểm tra các cách liên lạc với người điều hành dịch vụ hoặc dịch vụ khẩn cấp nếu cần.

Trong trường hợp nghi ngờ có rơi cáp treo (xác suất xảy ra rất hiếm), nếu chuẩn bị kịp, hãy thay đổi tư thế ngồi bằng cách uốn cong người theo đầu gối và tìm bám vào bộ phận chắc chắn nhất trên cabin.

Tuyệt đối không nên cố gắng thoát khỏi cáp treo mà không có sự trợ giúp chuyên nghiệp, sẽ dễ gặp nguy hiểm.

Cập nhật: 23/08/2024 Theo Dân Trí/Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video