Quan điểm xưa nay vẫn cho là trẻ bị trầm cảm khi chứng kiến cha mẹ cãi nhau, nhưng một nghiên cứu mới đây tìm thấy nếu cuộc cãi nhau ấy giải quyết được vấn đề thì việc chứng kiến sẽ là tốt cho trẻ.
Trẻ sẽ không bị ảnh hưởng nếu cha mẹ cãi nhau để làm sáng tỏ một vấn đề nào đó. Ảnh: thefrisky.com. |
Các nhà tâm lý của Đại học Notre Dame (Mỹ) đã sáng chế ra những thí nghiệm phức tạp để kiểm tra ảnh hưởng của các cuộc xung đột vợ chồng lên con trẻ.
Họ dựng một môi trường giống như ở nhà, có gắn camera, và dùng các diễn viên để thể hiện những cuộc tranh cãi, cho trẻ xem những kịch bản khác nhau khi cha mẹ xung đột.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra khoảng 500 trẻ từ 5 đến 18 tuổi, trong khoảng thời gian 20 năm, theo dõi phản ứng của chúng với các cuộc tranh cãi. Đôi khi nhóm nghiên cứu lấy mẫu nước bọt của trẻ để đo hàm lượng cortisol - hoóc môn sinh ra do stress.
Nhóm nghiên cứu tìm thấy khi các cuộc tranh luận được giải quyết theo hướng tích cực, trẻ sẽ học được từ kinh nghiệm này.
"Trẻ con thực ra không bị xáo trộn tâm lý nếu cha mẹ chúng có nỗ lực giải quyết vấn đề", Mark E. Cummings, giáo sư tâm lý, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết trên ABC.
"Điều khiến chúng tôi ngạc nghiên là tụi trẻ thực sự hạnh phúc khi thấy cha mẹ làm sáng tỏ vấn đề gì đó".
Po Bronson , đồng tác giả của cuốn sách cho các bậc cha mẹ "NutureShock" cho biết ông thường giải quyết xung đột với vợ tốt hơn nếu ở trước mặt 2 con nhỏ (một 8 tuổi và một 5 tuổi) để cho lũ trẻ thấy rằng dù cha mẹ không đồng ý với nhau, thì họ vẫn yêu nhau.
"Chúng tôi thường tranh cãi ngay trước mặt bọn trẻ. Thay vì trì hoãn, tôi và vợ nói rằng nên giải quyết vấn đề ngay lúc này đi".
Cũng theo nghiên cứu, các cặp vợ chồng thường tranh cãi khoảng 8 lần một ngày. Và dù cha mẹ có làm mọi cách để giấu không cho trẻ biết, thì trẻ vẫn sẽ thấy khoảng 45% số lần trong đó.