Chẩn đoán bệnh từ phôi thai

Hai cặp vợ chồng người Anh có bệnh sử gia đình về ung thư vú đã trở thành các ứng viên đầu tiên được áp dụng kỹ thuật “screening embryos” (tạm dịch: chẩn đoán bệnh từ phôi thai) nhằm ngăn ngừa nguy cơ thừa kế căn bệnh này cho con cái. Và, không chỉ có ung thư vú, trong tương lai con người sẽ tránh được nhiều chứng bệnh nan y khi kỹ thuật này trở nên phổ biến...

Lần đầu tiên trong lịch sử y học nhân loại, các kiểm tra chuyên sâu đã được BS Paul Serhal ở Bệnh viện ĐH London tiến hành, nhằm chọn lựa những phôi thai không mang gien ung thư vú. Tuy nhiên, việc làm này đã khơi lại những bàn cãi về tính đạo đức của việc chọn lựa thai nhi...

Gien BRCA-1

Tháng 5-2006, giới làm luật Anh đã chấp nhận cho các bác sĩ áp dụng kỹ thuật kiểm tra phôi thai để phát hiện sớm gien ung thư vú BRCA-1, vốn là nguyên nhân làm tăng từ 60%-80% nguy cơ ung thư ở người trưởng thành. Kỹ thuật này trước đây chỉ nhằm hạn chế các gien mang khả năng từ 90%-100% nguy cơ gây bệnh. Sau một năm nghiên cứu và nhận diện những đột biến chính xác tác động đến bệnh nhân, BS Serhal đã đề xuất với Cơ quan Sinh sản và Phôi thai người (HFEA) và khả năng trong vài tháng tới sẽ được chấp nhận khi cơ quan này khẳng định rằng kỹ thuật này rất đáng tin cậy.

Phát biểu tại một hội thảo chuyên đề mới đây ở London, BS Serhal nói: “... Ung thư vú là kẻ thủ ác thật đáng sợ. Có thể áp dụng biện pháp phẫu thuật can thiệp như cách ngăn ngừa sớm căn bệnh này, nhưng thường tiềm tàng các sang chấn, tái phát và di căn... Hy vọng hướng đi mới này sẽ ngăn ngừa nguy cơ thừa kế bệnh tật có thể ngay từ thế hệ đầu tiên. Ít ra là bắt đầu từ con cái họ, chúng tôi có thể loại gien này ra khỏi sơ đồ gia hệ... Những phụ nữ không may mang gien BRCA-1 còn có nguy cơ cao hơn 40% bị ung thư buồng trứng và BRCA-1 cũng liên quan đến ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt, đặc biệt là những thế hệ con cái đồng giới có khả năng thừa kế rất cao... “.

Hỗ trợ của IVF

Khi được cấp phép, các cặp vợ chồng đều phải áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), vì đây là bước cần thiết nhằm cho phép một tế bào đơn lẻ được chuyển ra khỏi phôi thai ở vào giai đoạn thứ 8 của quá trình phát triển, để được kiểm tra và phát hiện gien BRCA-1. Chỉ khi nào chắc chắn không bị ảnh hưởng bởi BRCA-1, phôi thai mới được chuyển vào dạ con để cho phát triển tiếp.

Mặc dù tháng 5 năm ngoái, HFEA đã chấp nhận ứng dụng kỹ thuật này sau một thăm dò ý kiến cộng đồng cho thấy tỉ lệ ủng hộ khá cao. Điều này là tín hiệu tốt để ê-kíp nghiên cứu của BS Serhal phát triển kỹ thuật kiểm tra để phát hiện những đột biến đặc trưng trong gien BRCA-1 mà các gia đình có bệnh sử ung thư vú mang phải. “Chúng tôi rất tự tin vì HFEA cho biết là rất đáng tin cậy – BS Serhal nói. Theo đó thì mỗi một loại bệnh tật đặc trưng phải được xem xét trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, vì có rất nhiều cách thừa kế và phát bệnh khác nhau...”.

Chuyên gia Josephine Quintavalle ở nhóm hoạt động về quyền phôi thai, một tổ chức về đạo đức sinh sản, cho rằng: “Đây là cách tốt nhất hiện nay để trị bệnh và có thể trong tương lai không quá xa, sẽ là biện pháp chữa trị ung thư vú không dựa trên kỹ thuật hạn chế vật mang bệnh, mà là tấn công thẳng vào gốc bệnh...”.

Bàn cãi

Hy vọng trong vài tháng tới, khi được HFEA của Anh chấp nhận, kỹ thuật này sẽ không chỉ giúp loại bỏ gien gây ung thư vú, mà còn triệt tiêu tận gốc hầu hết các chứng bệnh nan y.

Tuy nhiên, một số nhà xã hội học e rằng kỹ thuật này “có thể làm cho xã hội đi xuống, vì sẽ đưa đến nguy cơ tạo ra những-đứa-con-theo-đơn-đặt-hàng cả về hình thể và trí tuệ...”. Và, những tranh cãi về tính đạo đức của kỹ thuật sinh sản hiện đại như được dịp tái bùng phát khi người ta cho rằng, việc làm này là trái nguyên tắc và thiếu đạo đức, vì sẽ kéo theo những nguy cơ nhân đạo, trong đó có sự hủy hoại chất lượng phôi thai và sẽ không bao giờ hội đủ các điều kiện khi cho phát triển để tạo ra một con người. Ngay cả khi điều đó xảy ra, em bé sẽ rất khó tránh khỏi yếu ớt và bệnh tật trong những năm tháng đầu đời...

Đào Nguyên Hùng tổng hợp

Theo Người lao động
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video