Khai thác tiềm năng cây bắp lai

Hiện nay, các vùng trồng bắp ở Việt Nam chưa khai thác hết năng suất và lợi nhuận của cây bắp lai vì trồng với mật độ thưa và bón phân chưa hợp lý. Dự án “Quản lý dinh dưỡng chuyên vùng cho bắp ở Việt Nam” do Viện Dinh dưỡng cây trồng quốc tế - Chương trình Đông Nam Á phối hợp với một số viện, trường của Việt Nam thực hiện bước đầu đã giúp nông dân khai thác tốt tiềm năng kinh tế của cây bắp lai, mở ra nhiều triển vọng cho những vùng trồng bắp ở Việt Nam.

Bắp là loại cây lương thực lớn thứ 3 trên thế giới sau lúa mì và gạo. Ở Việt Nam, cây bắp được coi là cây lương thực quan trọng thứ 2 sau cây lúa. Trong các loại bắp, bắp lai được trồng phổ biến nhất, chiếm 70% diện tích trồng bắp của cả nước.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: “Diện tích trồng bắp lai của cả nước hiện nay hơn 1 triệu ha, nhưng sản lượng bình quân chỉ đạt khoảng 3,5 triệu tấn/năm, không đủ cung ứng cho nhu cầu trong nước nên Việt Nam vẫn còn phải nhập thêm bắp từ nước ngoài. Tỷ trọng chăn nuôi ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng bắp làm thức ăn chăn nuôi ngày càng cao. Do đó, rất cần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế của cây bắp lai”.

Năm 2005, Viện Dinh dưỡng cây trồng quốc tế- Chương trình Đông Nam Á phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Viện Nông hóa Thổ nhưỡng và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai thực hiện dự án “Quản lý dinh dưỡng chuyên vùng cho bắp ở Việt Nam”. Dự án được thực hiện từ năm 2005 đến 2008 với mục tiêu: gia tăng năng suất và lợi nhuận của bắp ở những vùng trồng bắp chủ yếu của Việt Nam, thông qua việc áp dụng kỹ thuật canh tác tối ưu, biện pháp quản lý chất dinh dưỡng chuyên vùng và quản lý chất dinh dưỡng tổng hợp.

Năm 2005-2006, các viện, trường đã thực hiện thí nghiệm trên ruộng của nông dân ở một số tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, để tìm hiểu năng suất tối đa có thể đạt được và hiệu quả sử dụng chất dinh dưỡng của bắp. Qua đó, các nhà khoa học đã xây dựng phương pháp xác định cách quản lý chất dinh dưỡng NPK tốt nhất dùng cho bắp, dựa trên những kỹ thuật canh tác và quản lý bắp tốt nhất mà nông dân có thể áp dụng. Phương pháp này đang được thử nghiệm trên từng thửa ruộng của nông dân ở từng vùng cụ thể.

Các nhà khoa học đi thăm ruộng bắp và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân ở Tiền Giang. (Ảnh: CTV)

Tiến sĩ Tôn Nữ Tuấn Nam, Trưởng Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết: “Hai vấn đề quan trọng của phương pháp là thay đổi mật độ trồng và công thức bón phân NPK. Tùy theo điều kiện sinh thái của từng vùng mà các nhà khoa học đưa ra mật độ trồng và công thức bón phân hợp lý”.

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã thực hiện 15 mô hình điểm ở tỉnh Đắc Lắc trên 3 loại đất: đất đỏ bazan, đất đen có sỏi và đất cát xám. Mỗi loại đất có một công thức phân phù hợp. Đất cát xám bón nhiều đạm (N), đất đỏ bazan thì bón nhiều lân (P), đất đen có sỏi thì hạn chế dùng kali (K)... Mật độ trồng được nâng lên 65 ngàn cây đến 70 ngàn cây/ha so với 50 ngàn cây/ha của nông dân. Qua 2 vụ bắp trồng thử nghiệm, các nhà khoa học đã xác định được năng suất cao nhất cho công thức bón phân chuyên vùng đạt từ 8-10 tấn hạt/ha, trong khi mô hình của nông dân chỉ đạt từ 6-7 tấn hạt/ha.

Với phương pháp làm mới, nông dân vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất, vừa nâng cao năng suất nên đạt lợi nhuận cao hơn phương pháp truyền thống khoảng 4-5 triệu đồng/ha.

Cũng như Tây Nguyên, các vùng, miền khác đều trồng thử nghiệm, chọn ra mật độ trồng và công thức bón phân NPK hợp lý, giúp nông dân khai thác tốt năng suất cây bắp lai, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ở miền Bắc, các thí nghiệm được tiến hành ở vùng miền núi, vùng đất bạc màu và đất phù sa dọc ven sông. Tiến sĩ Mai Thút Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nông hóa Thổ nhưỡng, nhận xét: “Phương pháp mới đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, giúp nông dân miền núi tăng năng suất trên diện tích đất bằng, giảm khai phá đất đồi, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”. Ở Đông Nam Bộ, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thực hiện 10 mô hình ở tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh.

Tại khu vực ĐBSCL, Viện Lúa ĐBSCL thực hiện 5 mô hình ở huyện Tân Châu, tỉnh An Giang; Trường Đại học Cần Thơ thực hiện 10 mô hình ở tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Tiến sĩ Nguyễn Mỹ Hoa, Phó Trưởng Bộ môn Khoa học đất và Quản lý đất đai, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Cây bắp lai là cây sử dụng nước hiệu quả hơn so với lúa nên tiết kiệm được nước tưới. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng bắp lai chế biến thức ăn chăn nuôi hiện rất cao. ĐBSCL đang trong quá trình chuyển thế độc canh cây lúa sang luân canh lúa- màu nên việc nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong canh tác bắp lai sẽ giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả”.

Tất cả các mô hình thực hiện ở các tỉnh đều nâng mật độ cây trồng cao hơn so với nông dân. Mật độ mà các nhà khoa học chọn là từ 65 ngàn đến 75 ngàn cây/ha, tùy theo từng vùng cụ thể. Công thức bón phân NPK cũng được điều chỉnh phù hợp theo từng thửa ruộng, từng vùng đất. Ngoài ra, các biện pháp quản lý cây trồng tổng quát như: giống, cách trồng, kiểm soát cỏ dại, phòng trừ dịch bệnh, tưới nước, phân hữu cơ... cũng được các nhà khoa hoc hướng dẫn cụ thể cho nông dân.

Tháng 1-2007, hội thảo đánh giá kết quả giai đoạn 1 của dự án “Quản lý dinh dưỡng chuyên vùng cho bắp ở Việt Nam” đã được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ. Với kết quả đạt được trong giai đoạn đầu, các nhà khoa học khẳng định lợi ích và hiệu quả thiết thực của dự án. Năm 2007, các viện, trường tiếp tục hoàn thành thí nghiệm trên các mô hình điểm. Trên cơ sở đó, đúc kết và đưa ra phương pháp hoàn chỉnh cho từng vùng. Năm 2008, dự án sẽ tuyên truyền, phổ biến rộng rãi phương pháp mới cho nông dân, thông qua các Trung tâm khuyến nông, trạm khuyến nông, chính quyền địa phương và các sở, ngành có liên quan.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định: “Dự án sẽ góp phần cải thiện sản lượng của cây bắp lai, từ 3,5 triệu tấn/năm lên khoảng 5 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước”. Tuy dự án đang trong quá trình thực hiện nhưng đã mở ra triển vọng khai thác tốt tiềm năng cây bắp lai của cả nước.

LỆ THU

Theo Báo Cần Thơ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video