Chia sẻ online

Không biết có phải do bây giờ con người ta luôn thấy thiếu vắng sự chia sẻ hay không, mà từ cô MC quen thuộc trên truyền hình đến cậu bé bán vé số đều dùng từ chia sẻ, san sẻ với tần xuất lớn. Lướt web hay online thấy những "công dân mạng" (netizen) cũng "share" (chia sẻ) thường xuyên không kém.

Ngày tiếp ngày, vẫn đầy tràn những thông tin hữu ích đang được cộng đồng chúng ta chia sẻ cho nhau. "Always there, always share"! - Luôn luôn hiện hữu, luôn luôn chia sẻ! chính là khẩu hiệu của cuộc sống online hiện đại ngày nay!.

Tinh thần chia sẻ - đó là một "góc sáng" thấy rõ của không gian mạng. Giá trị, sự hữu ích tăng dễ dàng tăng lên theo cấp số cộng, số nhân khi có sự nâng đỡ của công nghệ.

Nếu coi "chia sẻ" là "mặt phải" của công nghệ thông tin nói chung, của Internet nói riêng, thì liệu nó có thể lớn hơn và lấn át những "mặt trái" mà người ta đã nhắc đến quá nhiều trong thế giới vẫn được coi là "ảo"?

Chia sẻ thông tin

"Bùng nổ thông tin" là cụm từ hiện vẫn được ưa chuộng. Kéo theo đó một điều thấy rõ là bên cạnh những thông tin độc hại, vô thưởng vô phạt là những thông tin có ý nghĩa, có giá trị mà không phải lúc nào cũng đo đếm được.

Bên cạnh những luồng thông tin vô dụng mà hàng ngày người lên mạng vô tình hay cố ý giẫm phải, nhờ sự chia sẻ những thông tin bổ ích, thế giới quan của mỗi người thêm mở rộng. Gần như loại thông tin gì mình cần cũng có thể tìm được trên mạng, nhưng rất thường xuyên, mình không chủ động tìm, cũng nhận được rất nhiều thông tin thú vị từ người khác gửi đến do đường link, qua lời chỉ dẫn, mách bảo...

Các diễn đàn (forum) trên mạng là nơi thể hiện rõ nét nhất tinh thần chia sẻ online. Một cô bạn là biên tập viên của VTC lên diễn đàn có tên Nghiệp vụ Báo chí Việt Nam nhờ các thành viên chia sẻ tài liệu về truyền hình. Cô được đáp ứng từ một thành viên chưa hề quan biết, làm việc ở VietNamNet TV mà nhìn vào nick name cô tưởng nhầm là một "chị gái" nào đó. Họ đã trở thành bạn và đặc biệt, khi là đồng nghiệp, họ có điều kiện chia sẻ nhiều hơn. Ở đây, nhu cầu chia sẻ được tìm đến đúng địa chỉ.

Kể cả qua chat, niềm tin về sự chia sẻ vẫn không bị mất sau khi nghe những câu như "sao trên mạng người ta cứ lừa nhau vậy nhỉ?". Bên cạnh những đoạn thông tin không có tính xác thực, cần cảnh giác thì cũng có rất nhiều thông báo nhắc nhở cảnh giác với virus, spyware hay những trò nghịch ngợm, lừa lọc lan truyền trên mạng...

Nếu online, hẳn sẽ không hiếm gặp những dòng thế này: "Chào các bạn, hiện nay trên mạng đang truyền đi một tin nhắn dạng: gái đẹp... hay xem cái này đi... và link đến http//www...

Xin lưu ý đây là Virus, khi nhận được tin này bạn đừng bấm vào link đó để xem nhé. Khi bấm vào link đó virus sẽ tự động được download và cài vào máy bạn những đoạn mã độc nguy hiểm và gây lỗi lung tung".

Những dòng chữ khuyến cáo trên có thể được phát đi từ bất cứ ai khi muốn nhắc nhở, cảnh báo cho bạn bè mình. Người viết bài này cũng biết rõ rằng, anh Trịnh Công Thanh - một Hiệp sĩ CNTT, một người khuyết tật trẻ tuổi - đã gửi đi hàng trăm thông tin hữu ích như thế tới các "bạn chat" của mình. Những việc làm nhỏ nhoi đó của Thanh đã lan truyền đầy hữu ích tới bạn bè chứ không chịu "bất động" như đôi chân của anh. Thanh cũng hàng ngày miệt mài làm "Người điều hành" không mệt mỏi của website Chất độc da camDiễn đàn Người khuyết tật với nhiều hoạt động thiện nguyện được cộng đồng biết đến rộng rãi.

Chia sẻ thời gian, cơ hội

Có những đề án, dự án được Nhà nước rót hàng tỉ đồng để "tin học hóa" bậc này, cấp nọ. Họ đưa ra những sản phẩm được gọi là "phần mềm dùng chung" nhưng rồi cái chung đó rủ nhau đắp chiếu, tốn tiền của mà hiệu quả chẳng rõ ràng. Mục đích tốt đẹp là vì lợi ích chung, là sự chia sẻ nhưng vì nhiều lý do mà kết quả là sự hao hụt của công, "chia" thì có mà "sẻ" đâu không thấy.

"Bài học" đã được nghe nhiều là: Khi đã làm việc vì lợi ích chung thì chuyện đút túi riêng hay "mình được lợi gì?" không phải là mục đích cao nhất. Theo đúng nghĩa của câu này đã có nhiều phần mềm, sản phẩn hữu dụng được tung lên mạng cho bất kể ai, không phân biệt giàu nghèo đều có thể "dùng chung", download miễn phí trên mạng.

Người sử hữu computer "khỏe re" vì có công cụ tiện ích giúp tiết kiệm thời gian (và cả chi phí). Và ở đây cũng giống như quy luật cuộc sống là quá trình chọn lọc đi lên. Sản phẩm phầm mềm được nâng cấp liên tục để đáp ứng tối đa nhu cầu và giá trị nó tạo ra được nhân lên gấp bội thì chi phí giảm mà hiệu quả lại tăng...

Ngược lại, không phải được dùng phần mềm "chùa" là được chia sẻ. Nguyễn Tử Quảng tạo ra phần mềm diệt virus Bkav, Huỳnh Ngọc Ẩn thiết kế cộng cụ chống web sex MFW1 v.v... và cộng đồng IT được sử dụng miễn phí, tức là hoàn toàn được chia sẻ. Nhưng nếu biết chỗ nào có sản phẩm hay, công cụ hữu ích không phải "của chùa" mà mách bảo đến người cần sản phẩm trí tuệ được định giá đó thì đó đã là sự chia sẻ giúp tiết kiệm thời gian rồi.

Việc phần mềm mã nguồn mở (open source ware) đang được bàn luận ở khắp các ngõ ngách của không gian mạng cũng chính là một "bước tiến" của văn hóa chia sẻ trên mạng toàn cầu. Nhờ mã nguồn mở mà nhiều vấn đề "hóc búa" như đang tìm được lối giải quyết, ví dụ, việc phụ thuộc và chi phí quá lớn vào các phần mềm "đóng", các hệ điều hành của những ông lớn, đặc biệt đối với các nước đang phát triển..."

Chia sẻ cảm xúc 

Chia sẻ trên mạng

Khi chàng sinh viên người Việt Vũ Anh Tuấn bị sát hại tại Nga, thông tin tiếc thương này đã như những cơn sóng ồ ạt đổ lên khắp các diễn đàn, website tiếng Việt. Cư dân mạng trẻ tuổi thực sự đã tạo nên những làn sóng lớn về tinh thần cộng đồng, mà nếu có ghé qua các diễn đàn, đọc hàng trăm trang viết chia tay Tuấn, sẽ thấy tinh thần chia sẻ dung dị, sâu sắc đến mức nào.

Không phải ngẫu nhiên mà anh anh Phan Văn Hòa đã viết nên "câu chuyện cổ tích buồn" với www.ungthu.net. Website là nơi anh Hòa chia sẻ, nơi tải đi những tiếc thương của người chồng với người vợ đã lìa xa mình vì căn bệnh ung thư - mà hiếm có ai chọn cách bày tỏ như anh Hòa. Nay website đã trở thành một địa chỉ dành cho bất cứ ai quan tâm đến ung thư.

Là người online, chắc sẽ có cảm giác thiếu vắng nếu nhiều lần mở cửa sổ chat mà không nhận được những đường link, những câu chuyện thú vị, cảm động từ bạn bè gửi đến. Có những đường link mà khi nhấp chuột vào có thể khiến người bật mở dậy lên nhiều cảm xúc, ví dụ vào dịp Giáng sinh, lễ tết, ngày đặc biệt...

Có những trang thông tin, bài viết hay trên mạng được nhiều người kiểm định là hay, và nó được truyền đi hết ngày này qua tháng khác. Đó thường là những thông điệp ẩn chứa nhiều cảm xúc:

"Khi gặp được người bạn thật sự yêu thương, hãy nỗ lực giành lấy cơ hội trở thành một nửa của người ấy. Bởi nếu người ấy ra đi, tất cả sẽ không còn kịp nữa...".

Khi gặp một người bạn có thể tin tưởng được, cần giữ quan hệ tốt với người đó, vì trong cuộc đời mỗi người, gặp được tri kỷ không phải là điều dễ...".

Có vô số "lời khuyên" như thế được post lên mạng, không rõ ai là tác giả, nhưng đã được gửi đi với tinh thần chia sẻ theo cách đơn giản copy và paste. Thao tác thì thật đơn giản, không khó khăn để thực hiện như khi ta nở một nụ cười, nhưng quan trọng là người gửi có "con mắt xanh" để chắt lọc ra cái hay và có lòng chia sẻ hay không...

Cho và nhận trên không gian số (hay có người gọi là không gian "ảo") cũng không khác gì nhiều lắm so với cho và nhận ngoài đời sống thực. Khi viết bài này tôi có một niềm tin là câu chuyện về văn hóa chia sẻ sẽ còn rất dài, bởi vì mỗi người online hay offline đều có cách chia sẻ của riêng mình...

Ngày tiếp ngày, vẫn đầy tràn những thông tin hữu ích đang được cộng đồng chúng ta chia sẻ cho nhau. "Always there, always share"! - Luôn luôn hiện hữu, luôn luôn chia sẻ! chính là khẩu hiệu của cuộc sống online hiện đại ngày nay!.

B.D

Theo Tuổi Trẻ Online
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video