"Chiến tướng" của NASA đã chụp được nơi sự sống bắt đầu?

Những quan sát mới nhất của siêu kính viễn vọng James Webb về một vùng không gian siêu lạnh chứa các khối xây dựng sự sống được kỳ vọng giúp các nhà khoa học hiểu được các hành tinh có thể ở được đã ra đời như thế nào.

Kính viễn vọng không gian James Webb, được phát triển và điều hành chính bởi NASA, với sự hỗ trợ của ESA và CSA (các cơ quan vũ trụ của châu Âu và Canada), đã lập kỷ lục mới khi quan sát và thu thập được các chỉ số đáng ngạc nhiên về lớp băng lạnh ở nơi cực sâu của đám mây phân tử Chameleon I.


Một đám mây khí phân tử mỏng màu xanh với các đốm phát sáng từ các ngôi sao ở xa - (Ảnh: James Webb/NASA/ESA/CSA).

Theo Live Science, các nhà khoa học đã sử dụng camera hồng ngoại của James Webb để xoáy vào vùng cực tối và cực lạnh của đám mây phân tử cách chúng ta 500 năm ánh sáng này.

Họ đã xác định được những thứ bất ngờ ở nơi có nhiệt độ chết chóc là âm 263 độ C, tức chỉ còn cách độ âm tuyệt đối một chút.

Đó là các phân tử đông lạnh bao gồm lưu huỳnh carbonyl, amoniac, metan, methanol...

Theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature, các phân tử quen thuộc này một ngày nào đó sẽ trở thành một phần lõi nóng của một ngôi sao sơ sinh, cũng như một phần của các ngoại hành tinh mà nhiều cái trong số đó có thể ở được.

Chúng cũng nắm giữ cái gọi là "các khối xây dựng sự sống", chờ đợi để gieo rắc mầm sống khi có một hành tinh phù hợp chào đời: Carbon, oxy, hydro, nitơ và lưu huỳnh, một "hỗn hợp phân tử sự sống" gọi là COHNS.

"Kết quả của chúng tôi cung cấp cái nhìn sâu sắc về giai đoạn hóa học tối ban đầu của sự hình thành băng trên các hạt bụi giữa các vì sao, sẽ phát triển thành những viên sỏi có kích thước cm mà từ đó các hành tinh hình thành" - tác giả chính Melissa McClure từ Đài quan sát Leden (Hà Lan), cho biết.

Những đám mây phân tử như Chameleon I - tức Tắc Kè Hoa I - là vườn ươm sao và hành tinh. Trải qua hàng triệu năm, các chất khí, băng và bụi bên trong nó sẽ tạo thành các cấu trúc lớn hơn. Một số cấu trúc nóng lên thành lõi của các ngôi sao trẻ.

Khi các ngôi sao trẻ này phát triển, chúng sẽ hút ngày càng nhiều vật chất về phía mình và ngày càng nóng hơn, cuối cùng tạo thành một ngôi sao sơ sinh với đĩa khí bụi dày đặc xung quanh, nơi nó hoài thai các hành tinh.

Nhà thiên văn McClure nói thêm: "Những quan sát này mở ra một cửa sổ mới về lộ trình hình thành các phân tử đơn giản và phức tạp cần thiết để tạo nên các khối xây dựng sự sống".

James Webb là kính viễn vọng không gian tối tân nhất thế giới, mà theo tuyên bố của NASA là ngoài nhiệm vụ chính là tìm kiếm các thế giới từ vũ trụ sơ khai - cách chúng ta hàng tỉ năm ánh sáng - còn có thể giúp nhân loại tìm kiếm sự sống ở những nơi mà giới thiên văn đang hoài nghi.

Cập nhật: 28/01/2023 NLĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video