Chuyến bay ngắm nhật thực dài nhất trong lịch sử

Năm 1973, các nhà khoa học sử dụng máy bay siêu thanh Concorde để kéo dài thời gian quan sát nhật thực lên 74 phút khi bay nhanh gần bằng bóng Mặt trăng di chuyển qua Trái đất.

Hôm 8/4, hãng hàng không JSX có một chuyến bay ngắm nhật thực qua Dallas, cả hãng United Airlines và Delta đều bán hết vé cho chuyến bay qua dải toàn phần trong hành trình từ Texas tới Northeast. Nhưng không máy bay nào có thể sánh với những gì Concorde 001 làm được vào ngày 30/6/1973 khi đuổi theo bóng của Mặt trăng dọc chí tuyến Bắc trong một sự kiện nhật thực toàn phần.


Máy bay siêu thanh Concorde đuổi theo bóng của Mặt trăng năm 1973. (Ảnh: Grant Faint).

Bay ở độ cao 17.000m, máy bay siêu thanh nhanh nhất thế giới kéo dài thời gian quan sát nhật thực từ tối đa 7 phút 4 giây trên mặt đất lên 74 phút. Đối với 7 người quan sát từ Pháp, Anh và Mỹ, đây là chuyến bay ngắm nhật thực toàn phần dài nhất trong lịch sử nhân loại. Dù mẫu máy bay siêu thanh đã ngừng hoạt động từ lâu, chuyến bay lịch sử năm 1973 của Concorde vẫn là huyền thoại đối với những người theo đuổi nhật thực.

Ngày 30/6/1973, máy bay Concorde cất cánh từ Las Palmas, Gran Canaria, trên quần đảo Canary của Tây Ban Nha. Dải toàn phần ngày hôm đó rộng khoảng 251km với bóng của Mặt trăng di chuyển ở 2.400km/h. Concorde bay ở tốc độ 2.200km/h (Mach 2) dọc dải toàn phần theo cùng hướng với bóng của Mặt trăng, qua đó duy trì thời gian quan sát nhật thực lâu hết mức có thể. Thời gian quan sát nhật thực dài hơn cho phép các nhà khoa học nghiên cứu vành nhật hoa và lớp sắc cầu của Mặt trời, cũng như cường độ ánh sáng Mặt trời từ phía trên khí quyển Trái đất.


Nguyên mẫu Concorde 001 bay lần đầu tiên ở sân bay Toulouse, Pháp vào ngày 2/3/1969. (Ảnh: Tony Eyles/Mirrorpix).

Các nhà khoa học trên máy bay đến từ Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, Đài quan sát Paris, Đài quan sát Kitt Peak, Đại học Queen Mary London, Đại học Aberdeen, và Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Concorde 001 được chỉnh sửa dành riêng cho họ, với lỗ cửa sổ trên nóc máy bay dùng cho thiết bị quan sát. Sau khi cất cánh, chiếc Concorde đuổi theo bóng của Mặt trăng phía trên Mauritania. Trong 4 phút tiếp theo, nó bay qua Sahara ở Mali, Nigeria và Niger trước khi bị bóng của Mặt trăng vượt qua. Phương tiện hạ cánh ở Chad.

Chuyến bay năm 1973 không phải lần cuối cùng Concorde bay theo bóng của Mặt trăng trong nhật thực toàn phần. 20 năm sau, vào ngày 11/8/1999, 3 chiếc Concordes, một từ Pháp và hai từ Anh, chở hành khách tiến vào vùng bóng của Mặt trăng. Thời gian quan sát nhật thực của họ kéo dài 4 - 5 phút thay vì khoảng 2 phút trên mặt đất. Tuy nhiên, hành khách gặp vấn đề trong việc quan sát nhật thực hơn 30 giây do cửa sổ nhỏ và vị trí của Mặt trời.

Đó là những chuyến bay cuối cùng vào dải toàn phần của Concorde. Sau tai nạn chết người của chuyến bay 4590 thuộc Air France vào ngày 25/7/2000, chuyến bay ngắm nhật thực vào ngày 21/6/2001 bị hủy bỏ. Chuyến bay ngắm nhật thực thành công nhất trong những năm gần đây là E-Flight 2019-MAX diễn ra vào ngày 2/7/2019, tăng gấp đôi thời gian quan sát từ 4 phút 32 giây lên 9 phút.

Cập nhật: 08/04/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video