Vì sao bốt điện thoại công cộng ở Anh lại có màu đỏ? Áo kháo bomber lại sở hữu chiếc túi nhỏ tay? Tay nắm cửa ở nơi công cộng lại được làm bằng đồng thau? Thật ra tất cả mọi thứ đều có lý do của nó!
Các bốt điện thoại công cộng màu đỏ là một trong những biểu tượng đặc trưng khi nhắc đến thành phố Luân Đôn hay rộng ra là nước Anh. Ấy vậy mà trên thực tế, phiên bản đầu tiên của những chiếc bốt điện thoại xuất hiện trên đường phố của thủ đô Luân Đôn, năm 1920, lại được làm từ bê tông và mang màu xám nhạt duy chỉ có cánh cửa được sơn màu đỏ. Hình dáng bốt điện thoại mà chúng ta vẫn thường biết đến chỉ xuất hiện vào năm 1924, khi một cuộc thi thiết kế được tổ chức và Giles Gilbert Scott, người đề xuất mẫu bốt làm từ sắt và sơn màu đỏ, với mục đích giúp mọi người có thể dễ dàng nhận diện từ xa, dành được chiến thắng. Đúng như ý tưởng ban đầu mà Giles Gilbert Scott đưa ra, màu sắc nổi bật của bốt điện thoại đã trở nên cực kỳ hữu dụng, trong điều kiện thời tiết thường xuyên có sương mù ở Luân Đôn. Và đương nhiên, màu sắc này cũng khiến nó trở thành một chi tiết trang trí tuyệt đẹp cho đường phố của đảo quốc sương mù!
Ion của một số kim loại như bạc, thủy ngân, kẽm, đồng, chì, vàng… có khả năng thực hiện một quá trình gọi là “Oligodynamic effect”, khiến chúng có khả năng kháng và tiêu diệt nấm mốc, vi khuẩn … Đây cũng chính là lý do vì sao đồng thau (hợp kim của đồng và kẽm) thường được sử dụng làm tay nắm cửa ở những nơi công cộng, vốn tiếp xúc với rất nhiều người khiến nguy cơ nhiễm khuẩn tăng cao.
Ít ai biết rằng, loại áo khoác “bomber” hiện đang được giới trẻ ưa chuộng lại xuất phát từ trang phục của các phi công quân đội, mà cụ thể hơn là những người cầm lái máy bay ném bom hạng nặng (nguồn gốc cái tên bomber của loại áo này). Bên cạnh kiểu dáng ngắn khỏe khoắn thì một trong những thiết kế đặc trưng của áo bomber chính là chiếc túi ở bên cánh tay. Mặc dù ngày nay hầu hết người mặc đều xem nó là một chi tiết trang trí và rất hiếm khi dùng đến, nhưng thật ra đây lại là chiếc túi cực kỳ hữu dụng đối với phi công ngày ấy. Theo đó, nhà thiết kế đã cố tình tạo thêm một chiếc túi nhỏ ở cánh tay để các quân nhân có thể cất giữ chìa khóa, các vật dụng nhỏ và phổ biến nhất chính là thuốc lá, đây cũng là lý do vì sao chiếc túi còn được gọi là “túi thuốc lá”.
Quần ống loe xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1813 với vai trò là đồng phục của các thủy thủ. Trên thực tế, mục đích ban đầu của việc thiết kế chiếc ống “ngoại cỡ” hoàn toàn không liên quan gì đến thẩm mỹ, mà nhằm mang đến sự thuận tiện cao nhất trong điều kiện đặc thù của những người lênh đênh trên biển. Trước hết, chiếc ống rộng cho phép thủy thủ lộn ngược dễ dàng để giặt sạch phần bên trong quần. Bên cạnh đó, cũng là lý do quan trọng nhất, chính là khi chẳng may bị rơi xuống nước, kiểu dáng đặc biệt này cho phép thủy thủ có thể cởi bỏ quần dễ dàng mà không cần phải tháo giày trước!
Nhiều mẫu giày da của nam giới hiện nay được trang trí bằng các chi tiết dập lỗ trên thân và mũi giày. Ít ai biết rằng, cách trang trí sành điệu này lại bắt chước kiểu giày của những người chăn nuôi gia súc ở Iceland và Scotland ở thế kỷ 17. Cụ thể, vì thường xuyên phải làm việc ở vùng đầm lầy, họ đã nghĩ ra cách đục các lỗ nhỏ trên đôi giày da của mình để nó có thể khô nhanh hơn sau khi nhúng nước. Về sau, những chiếc lỗ này được đục một cách thẩm mỹ hơn để tạo thành chi tiết trang trí và được giới quý tộc ngày càng ưa chuộng. Theo thời gian, mẫu giày này dần trở thành một phong cách thiết kế được phủ sóng toàn cầu.