Cơ quan Vũ trụ châu Âu có kế hoạch triển khai một thiết bị với khả năng chiết xuất 70% lượng oxy từ bề mặt Mặt trăng vào năm 2030.
Trong một bài đăng vào hôm 9/3, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) tiết lộ đã lựa chọn công ty Thales Alenia Space của Anh để chế tạo một thiết bị khai thác oxy nhỏ gọn, sau khi đánh giá ba thiết kế của các nhóm đối thủ khác nhau.
Mô phỏng tàu đổ bộ Mặt trăng mang theo thiết bị khai thác oxy. (Ảnh: ESA).
Thiết bị vũ trụ mới sẽ giúp ESA đánh giá xem liệu các mô hình lớn hơn - như nhà máy chiết xuất oxy để thở cho phi hành gia và chất đẩy cho tên lửa - có khả thi trên Mặt trăng hay không. Trên thực tế, vào tháng 4 năm ngoái, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đạt được thành tích ấn tượng bằng cách hút oxy từ sao Hỏa nhờ một thiết bị có tên là MOXIE bay tới hành tinh đỏ trên tàu thăm dò Perseverance.
Thiết kế của Thales Alenia Space cần nhỏ gọn nhưng có khả năng chiết xuất 50 - 100 gram oxy từ lớp đất mặt của Mặt trăng, điều này có thể đạt được bằng cách khai thác khoảng 70% tổng lượng oxy có sẵn trong mẫu thu thập. Theo một tiêu chí tham khảo, 5 gram oxy là đủ cho các phi hành gia thở trong 10 phút.
Bên cạnh đó, thiết bị sẽ phải thu thập tất cả oxy trong thời gian khoảng 10 ngày. Đó là do nó chạy bằng năng lượng mặt trời, thứ sẽ bị hạn chế khi ngày âm lịch (kéo dài hai tuần) trở thành đêm âm lịch tối đen và lạnh giá.
"Thiết bị cần phải nhỏ gọn, công suất thấp và có thể bay trên một loạt tàu đổ bộ Mặt trăng tiềm năng, bao gồm tàu đổ bộ hậu cần lớn EL3 của ESA", David Binns, Kỹ sư hệ thống của ESA cho biết. "Khả năng khai thác oxy cùng các kim loại có thể sử dụng được từ lớp đất mặt sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong công cuộc khám phá Mặt trăng, cho phép các nhà thám hiểm quốc tế quay trở lại thiên thể này mà không bị phụ thuộc vào các nguồn cung cấp tốn kém từ Trái đất".
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, chúng ta có thể thấy một mô hình kích thước đầy đủ được gửi đến Mặt trăng trên tàu đổ bộ hậu cần của ESA vào đầu những năm 2030, theo trưởng nhóm nghiên cứu Giorgio Magistrati tại ESA.