Hiện tượng "ảo ảnh Mặt trăng mùa hè" với trăng tròn to bất thường màu cam cháy đã xảy ra vào tối 4-5 và có thể tiếp diễn trong ngày 5-5 ,ngay trước thời khắc nguyệt thực nửa tối được trông đợi.
Đêm 4-5, tức đêm trăng gần tròn 15 âm lịch, Mặt trăng đầu buổi tối đã xuất hiện ở một số nơi với màu sắc khác lạ màu cam cháy và to như siêu trăng.
Theo NASA, thực ra Mặt trăng không hề biến đổi, mà người Trái Đất đang thấy hiện tượng "ảo ảnh Mặt trăng mùa hè", vốn có thể dễ xuất hiện hơi khi bạn ở một thành phố lớn.
Ảo ảnh Mặt trăng mùa hè thường dễ quan sát nhất vào khoảng tháng 6, tuy nhiên các lần trăng tròn trước và sau đó cũng có thể thấy. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng.
Mặt trăng quan sát từ TP HCM lúc 19 giờ tối 4-5 có màu cam cháy và treo khá thấp trên bầu trời - (Ảnh: ANH THƯ).
Một là vị trí tự nhiên của các thiên thể vào mùa hè cho phép người Trái Đất bắt đầu buổi tối với Mặt trăng treo thấp không quá xa đường chân trời, thậm chí đôi lúc như ôm lấy Mặt Trời trong hoàng hôn.
Vị trí quan sát này khiến bạn nhìn thấy Mặt trăng qua một lớp khí quyển dày hơn, có tác động như một lăng kính làm tán sắc ánh sáng, khiến bạn nhìn thấy nhiều ánh sáng đỏ hơn và vì thế Mặt trăng ngả sang màu cam cháy.
Hai là, sự tán sắc ánh sáng này càng được thể hiện rõ ràng hơn nếu bạn đang nhìn qua một bầu không khí ô nhiễm bởi khói bụi đô thị và khói bụi từ những đám cháy rừng mùa hè - điều đã xảy ra ở các quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, cũng như nhiều nơi trên thế giới trong giai đoạn chuyển mùa nóng bất thường của năm 2023.
Còn lý do Mặt trăng trông to hơn, đó là do sự đánh lừa của ảo ảnh thị giác gọi là "ảo ảnh Ponzo", khi một vật thể ở xa hơn thường lệ, cùng với sự đánh lừa từ chính bộ não của chúng ta khi nhìn bất cứ vật thể gì ở gần đường chân trời, theo giáo sưu Carl Wenning từ Đại học bang Illinois (Mỹ).
Ảnh đồ họa mô tả ảo ảnh Ponzo: Bạn sẽ thấy đường kẻ màu vàng phía trên trông dài hơn đường kẻ màu vàng phía dưới cho dù hai cái hoàn toàn bằng nhau, cũng là lý do trăng treo thấp (xa mắt người hơn) lại thường trông to hơn trăng lên cao nếu nhìn bằng mắt thường (Đồ họa: NASA)
Đêm 5-5, sau khi chiêm ngưỡng "trăng cam" đầu buổi tối, người Việt Nam có thể tiếp tục thấy "trăng xám", là hiện tượng nguyệt thực nửa tối.
Theo định vị tại TP HCM của Time and Date, nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu lúc 22 giờ 14 phút đêm 5-5, đạt cực đại lúc 0 giờ 22 phút rạng sáng 6-5 và kết thúc sau đó hơn 2 tiếng - lúc 2 giờ 31 phút.
Hầu hết châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Úc và châu Nam Cực nằm trong vùng quan sát nguyệt thực nửa tối lần này.
Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng không hoàn toàn thẳng hàng như nguyệt thực thông thường, khiến Mặt trăng rơi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất thay vì vùng bóng tối.
Nguyệt thực nửa tối sẽ không tạo ra trăng máu (nguyệt thực toàn phần) hay "ăn mẻ" một phần Mặt trăng như nguyện thực bán phần, mà đơn giản là phủ một lớp bóng tối mờ như khăn voan đen lên Mặt trăng.