Thật khó tưởng tượng một thế giới nơi ô tô không có cần gạt mưa nhưng quả thực đã có thời kỳ "đen tối" như thế.
Vào năm 1902, bà Mary Anderson ghé thăm thành phố New York và nhận ra sự bất tiện của ô tô thời đó. Trong một ngày tuyết rơi dày, người lái chiếc xe điện đô thị mà bà ngồi khi đó liên tục phải ra ngoài để gạt tuyết bám vào kính chắn gió để có tầm nhìn tốt khiến xe liên tục phải dừng bánh.
Thời gian xe dừng bánh khiến một ý nghĩa chợt nảy ra trong đầu Anderson: sẽ ra sao nếu có một thứ gì đó có thể gạt mưa, tuyết khỏi kính lái giúp người ngồi không phải ra ngoài gạt thủ công?
Mary Anderson và bản vẽ được bà nộp bằng sáng chế nhưng không tìm được người mua.
Khi quay về Birmingham, bà hiện thực hóa ý tưởng trên bằng một bản vẽ của riêng mình đồng thời trình bày cơ chế hoạt động của nó. Bản vẽ này sau đó được đăng ký bằng sáng chế vào 18-6-1903 với tên gọi "Thiết bị lau cửa sổ".
Ý tưởng của Anderson miêu tả một cần gạt vận hành bằng tay cầm bên trong xe và có thể dễ dàng tháo lắp, nhờ thế không gây cản trở tầm nhìn của người lái trong những ngày thời tiết đẹp.
Bà sau đó cố gắng thuyết phục các hãng xe cá nhân - nền công nghiệp đang bắt đầu bùng nổ vào thời điểm đó, sử dụng sáng chế trên nhưng không được chấp nhận vì "không có giá trị thương mại xứng đáng (với số tiền họ bỏ ra mua bằng sáng chế) để đảm bảo".
Mãi tới 2011 Mary Anderson mới được vinh danh tại Đại lộ danh vọng các nhà sáng chế Mỹ, đứng ngang hàng các tên tuổi nổi tiếng như Steve Jobs hay Henry Ford.
Tư tưởng nam quyền thời đó khiến tiếng nói của Anderson vô cùng yếu ớt. Ở thời điểm đó, bà không có cha, không chồng và đương nhiên cũng chẳng có con trai. Tuy nhiên, tới khi bà mất (1953), cần gạt mưa đã bắt đầu trở nên phổ biến.
Dù không nhận được bất cứ đồng tiền nào cho phát minh của mình, Anderson sau này đã được công nhận là người đầu tiên phát minh ra cần gạt mưa. Vào năm 2011 bà đã được đưa vào Đại lộ danh vọng Các nhà sáng chế của Mỹ.