Con nghỉ học để cha nghiên cứu khoa học

Con trai ông bỏ ngang chương trình đại học để quản lý công việc thay cho cha, còn ông mua giáo trình đại học về nghiên cứu và sáng chế ra những công nghệ thiết thực cho cuộc sống. Đó là ông nông dân Nguyễn Văn Toàn (thôn Xuân Sơn, xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông) gần tròn 60 tuổi, học vấn mới lớp 6.

Ông Toàn tự mày mò học vi tính để thu thập thông tin trên mạng, thiết kế công trình, máy móc


Ông Toàn từng lặn lội xuống TP.HCM mang theo hai sản phẩm là “Công nghệ nấu bột giấy theo quy trình nhiều bậc sử dụng hoá chất” và “Máy sấy nông sản và vật liệu xây dựng kiểu đứng” tham gia Hội chợ Công nghệ thiết bị Việt Nam 2005 do Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức tại TP HCM tháng 10 vừa qua.

Và ông đã nhận được cúp vàng do ban tổ chức hội chợ trao cho sản phẩm hữu ích và nhận được nhiều lời mời hợp tác, đặt hàng của các doanh nghiệp.

Những phát minh đến với ông Toàn tình cờ khi ông phải giải quyết những khó khăn trong công việc. Đầu những năm 1980, lúc đang làm chủ nhiệm hợp tác xã Đức Minh ông Toàn mua lại nhà máy giấy của một cơ sở tư nhân tại TP HCM, về tự mày mò sản xuất theo lời chỉ dẫn của ông chủ cũ.

Thời điểm đó mua hoá chất rất khó, ông Toàn phải tìm cách giảm lượng sút NaOH trong quá trình nấu nguyên liệu. Khi ông sắp thành công thì các xã viên lại không còn đủ kiên nhẫn với cái nhà máy giấy làm ăn không hiệu quả. Họ thống nhất bán nhà máy, còn ông Toàn mất chức chủ nhiệm.

Mãi đến năm 1999, ông Toàn mới có điều kiện tiếp tục công trình nghiên cứu bỏ dở gần 20 năm trước. Qua truyền hình ông Toàn biết lâm trường Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang có chế biến bột giấy.

Ông đón xe đò tìm đến lâm trường đề nghị họ để ông thử nghiệm nấu nguyên liệu theo kiểu mới với cam kết: thời gian nấu ngắn hơn, tiết kiệm hoá chất hơn.

Chưa đầy một tuần, ông Toàn rời lâm trường Vĩnh Hảo với tờ giấy xác nhận: “Để nấu được 1 tấn bột giấy, trước đây nhà máy của lâm trường Vĩnh Hảo phải dùng từ 500 đến 550kg NaOH, nay với công nghệ của ông Toàn, nhà máy không cần thay đổi thiết bị nào nhưng chỉ tốn 350kg NaOH.”

Nếu gần 300 nhà máy sản xuất bột giấy của nước ta hiện nay đều áp dụng công nghệ này của ông Toàn sẽ tiết kiệm được vài trăm tỷ đồng chi phí mua hóa chất mỗi năm, chưa kể lợi ích về môi trường.

Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và công nghệ cấp nhận được bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 397 về “Giải pháp nấu nguyên liệu chứa xenlulza bằng quy trình nhiều bậc có sử dụng hoá chất” cho ông Toàn.

Để có vốn xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy công suất 20.000 tấn bột giấy một năm như mơ ước, ông Toàn bắt đầu bằng việc thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp chuyên buôn bán nông sản và đây là cơ duyên để công trình khoa học thứ 2 của ông Toàn ra đời.

Trong quá trình chế biến nông sản, ông Toàn nhận thấy những lò sấy thông thường đang áp dụng với sàn sấy nằm ngang gây lãng phí nhiên liệu, tốn công sức, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Ông Toàn mày mò thiết kế kiểu lò mới có sàn sấy dựng đứng để tận dụng hơi nóng, nguyên liệu được sấy từng lớp riêng biệt không bị đảo lộn nhờ đó sẽ mau khô hơn và không bị ám khói, dập nát.

Vì chưa từng làm cơ khí nên việc chế tạo ra lò sấy kiểu mới tiêu tốn của ông Toàn rất nhiều công sức, nhưng ông Toàn không nản chí và cuối cùng đã thành công.

Được con trai đang học trường đại học Công nghệ TP HCM hỗ trợ đắc lực, đầu năm 2003 ông Toàn hoàn tất hồ sơ công nghệ lò sấy kiểu đứng gửi dự thi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ VII và đạt giải khuyến khích trong lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm. Một doanh nghiệp cơ khí tư nhân đã mua bản quyền chế tạo máy sấy kiểu đứng của ông Toàn với giá 50 triệu đồng.

Khi chúng tôi đến nhà, ông Toàn đang say sưa bên máy vi tính tỉ mẩn thiết kế một công trình khác, đó là hệ thống xử lý nước thải cho nhà máy chế tạo bột giấy.

Từ chuyến tham quan các nhà máy chế tạo bột giấy, ông Toàn giật mình khi biết vốn xây dựng hệ thống xử lý nước thải còn lớn hơn cả vốn xây dựng nhà máy. Có nhà máy sau khi hoạt động một thời gian ngắn đã phải đóng cửa vì chi phí để vận hành hệ thống xử lý nước thải quá cao.

Ông Toàn gọi cậu con trai đang học đại học về nhà thay ông điều hành hoạt động của hợp tác xã, còn ông chuyên tâm vào nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải.

Ông Toàn hồ hởi cho chúng tôi biết công nghệ xử lý nước thải của ông đang trong giai đoạn rà soát lại, ông sẽ đăng ký độc quyền giải pháp hữu ích trong năm tới cùng lúc với việc ông kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác xây dựng nhà máy giấy.

Theo ông Toàn, hệ thống xử lý nước thải của ông chỉ chiếm khoảng 1/6 tổng vốn xây dựng nhà máy và chi phí vận hành không đáng kể nhờ hệ thống này tách riêng được các dạng chất thải khác nhau.

Võ Phụng Hoàng

Theo Tiền Phong Online
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video