Chu du xuyên thời gian là một tình tiết hư cấu hấp dẫn trong nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng. Các nhà khoa học cho rằng, việc này hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế và theo các quy luật vật lý, du hành tới tương lai dường như khả thi hơn việc quay ngược thời gian để trở lại quá khứ.
Trang Live Science dẫn lời Edward Farhi, giám đốc Trung tâm Vật lý lý thuyết thuộc Học viện công nghệ Massachusetts (MIT), nhấn mạnh: “Việc thay đổi tốc độ chạy của đồng hồ thực sự phù hợp với các quy luật của vật lý. Bạn hoàn toàn có thể nhảy cóc tới tương lai”.
Tuy nhiên, theo ông Farhi, hầu hết các nhà vật lý cho rằng chúng ta có thể du hành về tương lai, còn việc trở về quá khứ phức tạp và rắc rối hơn nhiều.
Ý tưởng về việc chu du xuyên thời gian bắt nguồn từ thuyết tương đối của Einstein, trong đó nêu rõ sự chuyển dịch của thời gian mang tính tương đối, phụ thuộc vào việc bạn di chuyển nhanh tới mức nào. Bạn càng di chuyển nhanh, thời gian dường như càng chậm lại. Điều đó nghĩa là, một người chu du trên một tàu vũ trụ cực nhanh sẽ trải nghiệm một chuyến đi trong 2 tuần dường như kéo dài 20 năm với những người trên Trái đất.
Về lý thuyết, cứ theo cách trên, một người muốn chu du tới một thời điểm nhất định trong tương lai chỉ cần sử dụng một phương tiện giao thông đủ nhanh để xóa bỏ khoảng thời gian nào đó.
Dẫu vậy, kiểu thao túng thời gian này chỉ ảnh hưởng tới tốc độ dịch chuyển về phía trước của thời gian. Dù tốc độ của bạn có nhanh đến thế nào đi nữa, thời gian cũng sẽ chỉ tiến về tương lai. Vì lí do này, các nhà khoa học không thể phỏng đoán được cách thức con người có thể trở về quá khứ.
Một số giải pháp dị thường cho các phương trình của Einstein hé lộ, việc du hành ngược thời gian về quá khứ có thể xảy ra, nhưng để làm việc đó có thể đòi hỏi năng lượng của khoảng ½ vũ trụ và vũ trụ có khả năng bị hủy diệt trong quá trình đó.
Và ngay cả khi khoa học có thể tìm ra một phương pháp biến việc trở về quá khứ thành hiện thực, vẫn còn vô vàn nghịch lý lôgic cần giải quyết.
“Chẳng hạn như khi ngược dòng thời gian, bạn có thể ngăn cản bố mẹ mình đến với nhau và sinh ra bạn. Đó có thể là điểm kết thúc cho tất cả”, ông Farhi nói.