So với đa số các loài vật khác, con người sở hữu rất nhiều thói hư tật xấu có thể gây tổn hại đến đồng loại hoặc chính bản thân.
Chúng ta nói dối, ăn trộm, lừa đảo, chạm khắc hoa văn lên cơ thể, giết người và cả tự tử… Trang LiveScience liệt kê 10 thói tật cố hữu và điển hình nhất của loài chúng ta.
Nói dối
Hiện khoa học vẫn chưa biết chắc vì sao con người lại nói dối, nhưng các nghiên cứu cho thấy nói dối là hiện tượng rất phổ biến, và thường xuất phát từ các yếu tố tâm lý.
Theo nhà tâm lý học Robert Feldman thuộc Đại học Massachusetts, nói dối có quan hệ mật thiết với lòng tự trọng. Khi một người cảm thấy lòng tự trọng có nguy cơ bị tổn thương, ngay lập tức họ sẽ tìm cách nói dối.
Theo thống kê, người ta nói dối dễ dàng hơn khi trao đổi công việc qua email, so với khi viết thư tay.
Khao khát bạo lực
Một số nhà nghiên cứu cho rằng con người chúng ta “nghiện” bạo lực và điều đó đã được khắc vào bộ gen chúng ta.
Một nghiên cứu năm 2008 kết luận rằng con người cũng ưa thích bạo lực như họ ưa thích tình dục, thức ăn, hay ma túy.
“Loài người chắc chắn được xếp hạng một trong những loài hiếu chiến nhất trên trái đất”, nhà sinh học David Carrier thuộc trường Đại học Utah cho biết.
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng tính bạo lực là một xu hướng tiến hóa ở con người, nó giúp chúng ta trong quá trình sinh tồn. Giáo sư Craig Kennedy tại trường Vanderbilt University giải thích: “Tính hiếu chiến có ở hầu hết các sinh vật có xương sống. Nó cần thiết cho việc tìm kiếm và chiếm giữ những nguồn tài nguyên quan trọng như bạn tình, lãnh thổ và thức ăn.”
Ăn trộm
Có câu “bần cùng sinh đạo tặc”, tuy nhiên, với nhiều người mắc tật ăn cắp vặt, hành vi của họ được thúc đẩy bởi một cảm giác phiêu lưu mạnh mẽ khi “thó” một món đồ linh tinh nào đó. Tật trộm cắp có thể có nguyên nhân khởi nguồn từ trong bộ gen.
Một nghiên cứu thống kê trên 43.000 người cho thấy có đến 11% trong số này thừa nhận từng ăn trộm đồ ít nhất một lần khi đi mua hàng. Họ ăn cắp ngay cả khi thừa sức trả tiền cho món đồ đó.
Lừa dối
Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew thì gần 1/5 người Mỹ cho rằng việc gian lận thuế là có thể chấp nhận được và không vi phạm đạo đức. Còn có khoảng 10% số đối tượng nghiên cứu cho biết ngoại tình là không tốt nhưng vẫn thích việc làm này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy một kết quả trớ trêu là những người đề cao các tiêu chuẩn đạo đức lại là những người hay lừa dối vợ/chồng mình nhất, bởi cho rằng ngoại tình là hành vi có thể chấp nhận trong một số hoàn cảnh cụ thể.
Đàn ông – nhất là những người thành đạt - thường có khuynh hướng ngoại tình hơn phụ nữ do đam mê tình dục của họ lớn hơn.
Dây dưa với những thói quen xấu
Các nghiên cứu đã cho thấy ngay cả khi tác hại của thói quen xấu đã rõ ràng, cũng rất khó từ bỏ chúng.
“Không phải vì họ thiếu thông tin về hiểm họa của những thói quen xấu”, Cindy Jardine, nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Alberta, cho biết. “Nhưng rất nhiều người cho rằng “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” và vì vậy họ thường thích hưởng thụ cho hiện tại hơn là lo lắng cho một tương lai còn lâu mới đến.”
Jardine nêu ra một số nguyên nhân khiến con người thường dây dưa không từ bỏ các thói quen xấu:
- Do tính ngoan cố bẩm sinh có ở mỗi người
- Nhu cầu muốn được xã hội thừa nhận
- Không có khả năng hiểu rõ bản chất các nguy cơ của thói quen xấu
- Do thế giới quan cá nhân chủ nghĩa và khả năng hợp lý hóa các thói quen xấu
- Khuynh hướng nghiện bẩm sinh
Ỷ mạnh hiếp yếu
Nhiều nghiên cứu phát hiện hơn một nửa số học sinh phổ thông từng phải chịu ức hiếp ở trường học. Một nghiên cứu thực thiện năm 2009 cho thấy những đứa trẻ hay bắt nạt bạn bè ở trường thì cũng thường hay bắt nạt anh em ở nhà. Vì vậy nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hành vi bắt nạt thường bắt đầu từ gia đình.
Bắt nạt này không chỉ là trò trẻ con. Một nghiên cứu khác cho thấy khoảng 30% người trưởng thành tại Mỹ là nạn nhân của những kiểu bắt nạt của sếp hoặc đồng nghiệp như: chỉ trích, tung tin đồn ác ý, cố tình che giấu thông tin nội bộ, v.v…
“Hành vi bắt nạt thường có tính chất leo thang, một khi bắt đầu nó sẽ càng lúc càng lấn tới”, Sarah Tracy, giám đốc Dự án Wellness and Work-Life tại ĐH Arizona State, cho biết.
Theo các nhà tâm lý, sở dĩ người ta thích bắt nạt kẻ yếu hơn là để khẳng định địa vị và quyền hành.
Hành hạ cơ thể bằng các thủ thuật làm đẹp
Mặc dù ngày càng có nhiều người là nạn nhân của lạm dụng mỹ phẩm hoặc phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng lượng người sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ vẫn không ngừng tăng lên.
Động lực mạnh mẽ nhất khiến nhiều người, nhất là phụ nữ, theo đuổi các thủ thuật thẩm mỹ tốn kém, mất thời gian là do ước muốn được trẻ đẹp, hoặc chỉ đơn giản là do “đua đòi”.
Sắc đẹp luôn là một cám dỗ khó cưỡng với hầu hết chúng ta, và thường đem lại nhiều cơ hội cho những người sở hữu nó. Như lời nhà tâm lý học Diana Zuckerman-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia (Mỹ) về Phụ nữ và Gia đình thì: “Chúng ta đang sống trong một xã hội “xem mặt bắt hình dong””.
Căng thẳng
Tâm trạng căng thẳng kéo dài có thể nguy hiểm đến tính mạng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, và cả các bệnh ung thư. Căng thẳng có thể dẫn đến trầm cảm, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành vi tự tử.
Môi trường làm việc là một nguyên nhân đáng kể gây căng thẳng. Theo thống kê của Tổ chức Công đoàn Quốc tế, hơn 600 triệu người trên khắp thế giới phải làm việc hơn 48 giờ mỗi tuần.
Áp lực còn đè nặng lên vai những người vừa gánh vác nghĩa vụ làm cha/mẹ, vừa đi làm.
Các chuyên gia sức khỏe nói rằng tập thể dục và ngủ đủ giấc là hai cách tốt nhất để phòng ngừa stress.
Bài bạc
Tật bài bạc cũng có vẻ như đã nằm sẵn trong bộ gen và được lập trình sẵn trong não của chúng ta. Điều này có thể giải thích vì sao hành động liều lĩnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá sản này lại phổ biến đến vậy.
Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Neuron năm ngoái, khi một người tận hưởng được niềm vui chiến thắng thì một “mạch điện” liên quan đến cảm giác hiếu chiến và ham thắng thua được kích hoạt, từ đó kích động não bộ tiếp tục tham gia vào chuyện cá cược bài bạc.
Các nghiên cứu cũng cho thấy việc thua bạc sẽ khiến người ta mất kiểm soát mặc dù trước đó họ đã rất lý trí dự kiến số tiền nhất định dành cho việc đánh bạc.
Nhiều chuyện
Các nhà nghiên cứu nói rằng loài người có “bản năng” nói chuyện và phán xét người khác, mặc cho việc đó có thể làm tổn thường người khác.
Robin Dunbar, nhà nghiên cứu các loài linh trưởng thuộc trường ĐH Oxford cho biết: “Loài khỉ đầu chó xem việc chải lông cho nhau như làm một cách thắt chặt mối quan hệ xã hội. Loài người chúng ta tiến hóa hơn, và chúng ta xem việc “ngồi lê đôi mách” là chất keo dính trong quan hệ xã hội.”
Theo các nghiên cứu, việc “tán phét” giúp thiết lập mối liên kết giữa các cá nhân, và nó khiến chúng ta có cảm giác được tôn trọng. Tuy nhiên trong nhiều cuộc “buôn dưa lê”, người ta không coi trọng sự thật hay tính chính xác của thông tin, nhất là khi thông tin liên quan đến người thứ ba.
Nhà tâm lý học Jennifer Bosson thuộc trường ĐH South Florida nói: “Khi hai người “nói xấu” một người thứ ba, họ cảm thấy thân thiết hơn.”