Các thợ mỏ từng đổ xô tới Cambridgeshire, Anh vào thế kỷ 19 nhằm đào hóa thạch phân khủng long để kiếm lời.
Coprolite, hay còn gọi là phân tiền sử, có giá trị cao từ khi phát hiện vào thế kỷ 19. Không chỉ được xem như kho báu vô giá của các nhà cổ sinh vật học và khảo cổ học, đào phân khủng long để làm phân bón vào thời Victoria được cho là ngành kinh doanh đặc biệt kiếm lời, theo Ancient Origins.
Một mẫu hóa thạch phân khủng long 126 triệu năm. (Ảnh: Ripley)
Trong suốt thập niên 1850, một làn sóng thợ mỏ đổ xô tới Cambridgeshire, Anh, trong cơn sốt đào phân khủng long hóa thạch. Cơn sốt kỳ lạ này gắn liền với nhu cầu phân bón gia tăng do thiếu lương thực sau những cuộc chiến tranh của Napoleon.
Phân hóa thạch được phát hiện lần đầu tiên vào đầu thế kỷ 19 bởi thợ săn hóa thạch người Anh Mary Anning. Bà nhận thấy mẫu vật chứa những mẩu cá và xương nhỏ. Chi tiết này truyền cảm hứng cho nhà địa chất học William Buckland đặt tên cho mẫu vật là coprolite vào năm 1829, theo từ gốc Hy Lạp kopros (phân) và lithos (đá). Coprolite có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, bao gồm mẫu vật khổng lồ dài 67,5 cm với biệt danh Barnum, được cho là thuộc về một con khủng long bạo chúa.
Trong khi coprolite nhỏ tương đối phổ biến, phân khủng long rất hiếm do phần lớn chất bài tiết của khủng long phân tán trên mặt đất, đặc biệt nếu rơi từ vị trí cao. Dù phần lớn mẫu vật trông giống hòn đá, một số vẫn giữ nguyên màu sắc và đường nét đặc trưng.
John Stevens Henslow, nhà thực vật học đến từ Cambrige, đóng vai trò chủ chốt trong việc nhận dạng thành phần phosphate trong coprolite. Năm 1845, ông công bố một bài báo về giá trị kinh tế tiềm ẩn như một loại phân bón của phân hóa thạch, dẫn tới nhiều hệ quả ngoài mong muốn. Tương tự cơn sốt đào vàng ở California, Mỹ, việc đào xới tại các địa điểm giàu coprolite ở miền đông nước Anh dấy lên hiện tượng cơn sốt phân hóa thạch.
Từng chìm dưới mặt nước, những khu vực này là địa điểm hoàn hảo giúp bảo tồn coprolite do bề mặt mềm. Từ thập niên 1859, hiện tượng thu hút hàng trăm thợ mỏ tới khu vực, háo hức tìm kiếm cơ hội sinh lời mới. Tuy nhiên, cơn sốt chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Vào thập niên 1880, ngành khai thác phân hóa thạch nhường chỗ cho phân bón nhân tạo.
Ngày nay, coprolite được đánh giá cao vì lý do hoàn toàn khác. Thông qua kiểm tra mẫu phấn hoa, ADN và thậm chí ký sinh trùng bên trong, coprolite có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu hệ sinh thái và chế độ ăn của những sinh vật đã tuyệt chủng từ lâu. Trong một ví dụ, giới nghiên cứu sử dụng mẩu xương nhỏ trong phân khủng long để chứng minh khủng long bạo chúa đè nghiến con mồi. Phân hóa thạch từ kỷ Jura vẫn có giá trị cao. Một nhà sưu tập từng trả 10.370 USD trong buổi đấu giá để mua mẫu vật coprolite 6 triệu năm.