​​Công ty Anh thử nghiệm vaccine dán da có khả năng miễn dịch lâu hơn

Công ty Emergex ở Anh sẽ sớm thử nghiệm lâm sàng đối với loại vaccine ngừa Covid-19 thế hệ thứ hai dưới dạng dán vào da và dùng tế bào T để tiêu diệt tế bào nhiễm bệnh.

Emergex được thành lập ở thành phố Abingdon năm 2016 để phát triển các loại vaccine tế bào T - sản phẩm trí tuệ của Giáo sư Thomas Rademacher, Giám đốc điều hành Emergex và là giáo sư danh dự về y học phân tử tại trường Đại học Y London.

Vaccine sẽ tạo ra tế bào T để nhanh chóng loại bỏ các tế bào nhiễm bệnh khỏi cơ thể, do đó ngăn chặn sự nhân lên của virus và bệnh tật. Trong khi các kháng thể được tạo ra bởi vaccine Covid-19 hiện nay bám vào virus và ngăn chúng lây nhiễm sang các tế bào, các tế bào T sẽ tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus. Những loại vaccine khác như Pfizer/BioNTech và AstraZeneca cũng tạo ra phản ứng tế bào T, nhưng ở mức độ thấp hơn.


Một miếng dán vaccine Covid-19 của Emergex. (Ảnh: Latch Medical)

Cơ quan quản lý dược phẩm Thụy Sĩ đã “bật đèn xanh” cho phép Emergex tiến hành các thử nghiệm ban đầu trên người ở Lausanne. 26 người tình nguyện viên sẽ được tiêm liều lượng vaccine cao - thấp khác nhau, bắt đầu từ ngày 3/1/2022. Kết quả thử nghiệm ban đầu dự kiến được công bố vào tháng 6.

Ông Robin Cohen, Giám đốc thương mại của công ty, cho biết: “Đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý phê duyệt đưa vaccine Covid-19 vào thử nghiệm lâm sàng với mục đích duy nhất là tạo ra phản ứng tế bào T. Trong trường hợp không có phản ứng kháng thể, những tế bào T sẽ tìm kiếm các tế bào bị nhiễm bệnh và tiêu diệt chúng”.

So sánh với quá trình một tiểu hành tinh va vào một hành tinh, ông Cohen ví virus như một tiểu hành tinh. Nó đâm vào hành tinh, và một mã virus – dấu hiệu về loại virus đó – nhanh chóng xuất hiện khắp bề mặt. Các dấu hiệu trên sẽ bị tế bào T xem là ngoại lai và sẽ tiêu diệt chúng trước khi có thể tạo ra các chủng virus sống mới.

Các vaccine Covid-19 hiện tại chủ yếu tạo ra phản ứng kháng thể và suy yếu theo thời gian, đồng nghĩa với việc mọi người cần tiêm mũi tăng cường để duy trì sự bảo vệ khỏi virus SARS-CoV-2.

Vaccine Emergex lại hoạt động theo cách khác, bằng cách giết chết các tế bào bị nhiễm bệnh một cách nhanh chóng. Điều này có nghĩa là nó có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài hơn - có thể trong nhiều thập kỷ - và cũng có thể chống lại các biến thể virus tốt hơn.

Ngoài ra, vaccine thế hệ mới này sẽ được phát triển dưới dạng miếng dán vào da, to bằng móng tay, có chứa những đầu kim siêu nhỏ. Vaccine này có thể được bảo quản 3 tháng ở nhiệt độ phòng, không cần phải trữ trong tủ đông hay tủ lạnh.

Tuy nhiên, vaccine của Emergex sẽ không xuất hiện trên thị trường trước năm 2025, dựa trên khung thời gian thông thường để phát triển vaccine. Năm ngoái, các loại vaccine Covid-19 được phát triển trong vài tháng khi quá trình cấp phép được đẩy nhanh vì mục đích sử dụng khẩn cấp. Tuy nhiên, hiện giai đoạn khẩn cấp này đã kết thúc.

Ông Robin Cohen nói thêm rằng ý tưởng về vaccine tế bào T không phải điều mới lạ. Điển hình, Giáo sư Sarah Gilbert tại Đại học Oxford đã phát triển vaccine AZ/Oxford để trị cúm mùa trong hơn một thập kỷ.

Emergex cũng đang thử nghiệm một vaccine tế bào T khác để chống sốt xuất huyết ở người trong một thí nghiệm lâm sàng riêng biệt tại Thuỵ Sĩ và sẽ có kết quả ban đầu vào tháng 1/2022. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một nửa dân số toàn cầu có nguy cơ mắc sốt xuất huyết và hiện chưa có phương pháp đặc trị hay vaccine phòng bệnh này.

Công ty nghiên cứu vaccine của Anh cũng bày tỏ mong muốn sáng chế vaccine chống cúm mùa, Zika, Ebola và các bệnh lây nhiễm khác.

Cập nhật: 15/11/2021 Theo Báo Tin Tức
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video