Trang medicalxpress ngày 8/9 đưa tin các bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối sắp được trang bị một công cụ điều trị nữa khi nhà chức trách y tế Cuba thông báo sắp tung ra vắcxin điều trị ung thư phổi đầu tiên trên thế giới.
>>> Cuba bán thuốc chữa ung thư từ nọc bọ cạp xanh
>>> Công nghệ khiến ung thư tự động "hiện nguyên hình"
Loại vắcxin mang tên CimaVax EGF được dành cho những bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn thứ ba và thứ tư nhưng không có tiến triển với các biện pháp điều trị khác như hóa trị và xạ trị.
"Loại vắcxin này có thể biến ung thư thành một căn bệnh mãn tính có thể khống chế được, bằng cách tạo ra các kháng thể chống lại các protein gây ra sự phát triển tế bào không kiểm soát được. Tuy không phải là chặn đứng căn bệnh này, nhưng vắcxin này giúp cải thiện rõ rệt sức khỏe của những bệnh nhân đang ốm nặng," bà Gisela Gonzalez thuộc Trung tâm Miễn dịch học Phân tử (CIM) ở Havana, trưởng nhóm nghiên cứu của dự án nói.
Nhóm nghiên cứu trên đã thực hiện nghiên cứu lâm sàng và thử nghiệm trên hơn 1.000 bệnh nhân ung thư phổi ở Cuba, nơi loại vắcxin này được phát miễn phí.
Do Cuba có nhiều người hút thuốc lá nên ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở 12 trong tổng số 15 tỉnh ở nước này.
Vắcxin ngừa ung thư phổi nói trên là kết quả của quá trình nghiên cứu 25 năm của các nhà khoa học CIM đối với những căn bệnh liên quan đến hút thuốc lá.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu có kế hoạch áp dụng những nguyên lý tương tự của vắcxin CimaVAX-EGF để điều trị các khối u ung thư khác, như ung thư tuyến tiền liệt, tử cung, và ung thư vú.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất, khiến 1,4 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm.
Mặc dù những phương pháp điều trị hiện tại có thể nâng cao tỷ lệ sống cho bệnh nhân ung thư khi được phát hiện sớm, nhưng đối với những bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối thì tỷ lệ sống được 5 năm chỉ chưa đầy 1%.