Cuộc đua chưa hồi kết của Elon Musk và Jeff Bezos

Những cuộc tranh luận chưa có điểm dừng giữa hai tỷ phú giàu nhất thế giới được đẩy lên thành cao trào ở cuộc đua Internet vệ tinh trong không gian.

Trong nhiều năm qua, Jeff Bezos và Elon Musk không ngừng đấu khẩu về thành tích của các tên lửa và công ty vũ trụ mà họ sở hữu, bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh nhằm sử dụng bệ phóng của NASA và xác định công ty nào hạ cánh tên lửa thành công.

Nhưng hiện nay, hai tỷ phú nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới, đang tiến hành cuộc chiến ngày càng gay gắt giữa hai đế chế thương mại khổng lồ. Cuộc chiến của họ không chỉ diễn ra ở tòa án mà cả trước Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) và Quốc hội, đánh dấu một trong vụ cạnh tranh thương mại lớn nhất trong vòng một thế hệ.

Khởi đầu từ sự đối đầu giữa công ty SpaceX của Musk và Blue Origin của Bezos nhằm giành hợp đồng từ NASA để đưa phi hành gia hạ cánh trên Mặt trăng, giờ đây cuộc chiến còn bao gồm màn chạy đua xây dựng dịch vụ Internet vệ tinh trong không gian.

Trong hai năm qua, SpaceX đã phóng cụm vệ tinh với số lượng lên tới hàng nghìn với mục tiêu phát tín hiệu Internet trên khắp Trái đất. Amazon cũng phát triển kế hoạch tương tự mang tên Kuiper, dù công ty này chưa phóng vệ tinh nào.

Hôm 25/8, công ty con của Amazon đệ trình lên FCC thư phản đối kế hoạch của SpaceX về mạng lưới các vệ tinh Internet Starlink thế hệ thứ hai và nhấn mạnh những điều chỉnh của công ty đối thủ vi phạm quy tắc của FCC. Sáu ngày sau, SpaceX đưa ra phản hồi. Không chỉ công khai xem thường năng lực kỹ thuật của Amazon, SpaceX còn cáo buộc công ty này tìm cản trở đối thủ để bao biện cho thất bại của chính họ.

Theo SpaceX, bảng thành tích của Amazon cho thấy "họ đang thụt lùi sau các đối thủ cạnh tranh, sẵn sàng sử dụng thủ tục pháp lý và tố tụng để tạo ra trở ngại ngăn đối thủ bỏ xa họ".

Hôm 15/9, Amazon đáp trả, buộc tội Musk liên tục công khai thách thức luật pháp trong hồ sơ nộp lên FCC. Ngay ngày hôm sau, SpaceX cũng đệ trình một bức thư mới tới nhà chức trách. "Một tuần trôi qua, Amazon một lần nữa chống đối đối thủ, nhưng hệ thống vệ tinh được đồn thổi từ lâu của chính họ vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển nào", SpaceX viết.


Hình minh họa về tàu đổ bộ Starship của SpaceX trên Mặt trăng. (Ảnh: The Washington Post)

Cả Musk và Bezos đều biện minh tham vọng vũ trụ của họ là một cách giúp đỡ nhân loại như xây dựng thành phố trên sao Hỏa (Musk) hoặc xây khu định cư trên quỹ đạo Trái đất (Bezos). Nhưng vũ trụ cũng là một cơ hội kinh doanh khổng lồ, theo Margaret O’Mara, giáo sư ở Đại học Washington. Hai người ý thức rõ sự cạnh tranh giữa họ diễn ra cả trong thực tế và trên mạng xã hội. Musk và Bezos đều là những lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng, đặc biệt Musk đã tạo ra cộng đồng người hâm mộ lớn với gần 60 triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội Twitter.

Dù có nhiều điểm khác biệt, Musk và Bezos đều xây dựng cơ nghiệp theo hướng đi giống nhau. Cả hai đều sở hữu khả năng phi thường trong việc cách mạng cả ngành công nghiệp với những sản phẩm tân tiến, khả năng nhìn xa trông rộng và kiên định với mục tiêu, bất chấp mọi nghi ngại và sẵn sàng chấp nhận thất bại trong ngắn hạn để thu về lợi ích dài hạn.

Với PayPal, Musk "lật đổ" ngành công nghiệp thẻ tín dụng và thay đổi cách người tiêu dùng Mỹ chi trả cho hàng hóa và và dịch vụ. Với Tesla, ông đối đầu với toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi và cách mạng hóa thị trường xe điện. Công ty SpaceX của Musk thậm chí qua mặt công ty tổ hợp quân sự - công nghiệp thống trị không gian suốt nhiều thập kỷ qua, trở thành đối tác phóng tàu được NASA ưa chuộng.


Hình minh họa vệ tinh Starlink của SpaceX bao quanh Trái đất. (Ảnh: Bussiness Insider)

Khi sáng lập Amazon, Bezos lần đầu tiên làm chao đảo những cửa hiệu sách truyền thống, sau đó thâu tóm mọi lĩnh vực bán lẻ. Dịch vụ web của Amazon thay đổi cách các công ty lưu trữ dữ liệu.

Hiện nay, Musk dường như đang thắng thế về mọi mặt. SpaceX đã chở ba đội phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế và hôm 15/9, công ty sẽ phóng tàu chở toàn hành khách tư nhân bay vòng quanh Trái đất trong 3 ngày. Blue Origin mới phóng một nhiệm vụ lên không gian cận quỹ đạo và chuyến bay chỉ kéo dài hơn 10 phút.

SpaceX đã phóng gần 2.000 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo, tiến gần tới hoàn thành dự án mạo hiểm và tham vọng nhất của Musk là cung cấp dịch vụ Internet từ không gian. Gần đây, trên mạng Twitter, Musk chia sẻ công ty của ông đã vận chuyển 100.000 thiết bị đầu cuối trên mặt đất và cung cấp dịch vụ ở 14 quốc gia. Năm ngoái. FCC thông báo giao cho SpaceX hợp đồng trị giá 886 triệu USD để phục vụ hàng trăm nghìn khách hàng tại Mỹ. Đó là một phần trong nỗ lực tăng số lượng người tiếp cận băng thông rộng với kinh phí 9,2 tỷ USD.

Amazon cũng lên kế hoạch đưa vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất để truyền Internet tới mặt đất nhưng chưa phóng vệ tinh nào. Bản sửa đổi mà SpaceX đệ trình lên FCC sẽ bổ sung thêm 30.000 vệ tinh theo hai cấu hình, một phóng bằng tên lửa Starship thế hệ mới và một phóng bằng tên lửa Falcon 9 quen thuộc.

Amazon cho rằng theo quy định của FCC, SpaceX chỉ được trình bày một thiết kế cho hệ thống của họ. Theo Amazon, hai cấu hình sắp xếp những vệ tinh theo thông số quỹ đạo rất khác nhau. "Cách tiếp cận mới của SpaceX về việc áp dụng hai cấu hình loại trừ lẫn nhau trái ngược với cả các quy tắc và chính sách công của Ủy ban", Mariah Dodson Shuman, cố vấn pháp lý cho công ty con của Amazon, Kuiper Systems cho biết.

Trên mạng Twitter, Musk đưa câu chuyện đi xa hơn khi viết sai tên của Bezos và mỉa mai "hóa ra ông Besos nghỉ hưu để làm một công việc toàn thời gian là khởi kiện chống lại SpaceX".

Động thái đáp trả gay gắt của Amazon hôm 8/9 nhắm vào SpaceX và bản thân Musk, nêu ra hàng loạt hành động vượt quá giới hạn mà Amazon cho là thể hiện cách hành xử khiến nhà chức trách phải dè chừng. Amazon nhắc tới sự việc SpaceX phóng một nguyên mẫu Starship mà không có giấy phép từ Cục Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ và tiếp tục mở cửa nhà máy lắp ráp Tesla trong khi Covid-19 hoành hành. SpaceX không bình luận về đơn kiện của Amazon dù công ty đã gửi một bức thư cho FCC.

Ngoài kiện cáo về chòm vệ tinh phát sóng Internet, thông qua công ty Blue Origin, Bezos còn phản đối NASA giao hợp đồng chế tạo tàu vũ trụ chở phi hành gia tới Mặt trăng cho SpaceX. Blue Origin cũng nộp đơn lên Cơ quan thẩm định trách nhiệm (GAO) của chính phủ Mỹ, phản đối quyết định của NASA. Tuy nhiên, cơ quan này đã bác đơn của Blue Origin và bênh vực NASA.

Sau đó, Blue Origin gửi đơn kiện lên Tòa khiếu kiện liên bang Mỹ, cáo buộc NASA thiên vị khi ký hợp đồng với SpaceX. NASA chấp nhận tạm dừng hợp đồng tới ngày 1/11 để chờ tòa án đưa ra phán xét. Điều này có thể làm chậm tiến độ chương trình đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng của NASA.

Cập nhật: 13/09/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video