Cuộc thi Robocon nóng dần

Hai ngày nữa, cuộc thi Robocon 2009 khu vực phía Nam chính thức khởi tranh. Thế nhưng không khí ở các trường ĐH đã tăng nhiệt.

Những ngày sắp tới, ĐH Công nghiệp TP HCM sẽ luôn náo động bởi tiếng cỗ vũ cho 14 đội robocon tranh tài, nhằm tìm ra năm đội mạnh nhất.

Đêm trắng cùng robocon

Tại sân tập của trường ĐH Công Nghiệp TP HCM, chúng tôi bắt gặp có sinh viên đang… ngủ. Thầy Nguyễn Thanh Đăng, Phụ trách Robocon của trường giải thích: “Các em phải tập luyện, chỉnh sửa, robot chuẩn bị cho cuộc thi cấp trường đến quá khuya nên thiếu ngủ”.

Sinh viên Bùi Khắc Vương, Đội trưởng đội Phù Sa, tâm sự: "Hai tuần nay, 10 thành viên của đội nhiều đêm thức trắng. Hôm nay, khu vực này mất điện không làm được nên tụi em tranh thủ ngủ bù”.

Cuộc thi Robocon 2009 được ĐH Công Nghiệp phát động từ tháng 9/2008. Lúc đầu có 20 đội đăng ký tham gia, nhưng qua các vòng sát hạch chỉ còn 14 đội. Các khoa tạo mọi điều kiện như hỗ trợ phòng ốc, máy móc... còn nhà trường thì tài trợ một sân tập đúng tiêu chuẩn thi đấu và tạo điều kiện cho thành viên các đội ăn ngủ tại trường. 

Một đội robocon ĐH SPKT TP HCM.


Tại ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM, sinh viên cũng được dành một khu nhà cho các đội thiết kế robocon. Cho các thành viên được ăn ngủ tại trường, hỗ trợ một số máy móc cơ khí.

Sinh viên Nguyễn Ngọc Nguyên, Khoa cơ khí chế tạo máy, Đội trưởng đội SPKT-MET cho biết: “Ra tết đến giờ tụi em ăn, ngủ cùng robocon. Chủ yếu cho việc thiết kế cơ khí, lập trình, còn ý tưởng, bản vẽ tụi em đã làm từ trước Tết. Đến giờ robot đã hoàn thiện. Chúng em đang luyện tập để rút ngắn thời gian, tránh phạm quy, chống lắc cho robot khi lên xuống dốc”.

Không ăn, ngủ tại trường như nhiều nơi khác, thành viên của 20 đội thuộc ĐH Bách Khoa TP HCM, từ đầu tháng 2/2009, ngoài những buổi phải lên lớp còn lại là dành tất cả thời gian cho “nàng robocon”.

Bạn Nguyễn Tấn Phong, chia sẻ: “Tụi em mỗi ngày chỉ dành từ bốn đến năm giờ để ngủ. Nhiều lúc lên giường rồi mà "vấn vương nàng robocon” lại phải thức dậy làm tiếp…”.

Tốn cả chục triệu để tham gia Robocon

Võ Thành Phong, đội trưởng đội Leo của ĐH Kỹ Thuật Công Nghệ dự tính kinh phí làm ba robot hết khoảng 12 triệu đồng. Trước đó, nhà trường hứa hỗ trợ cho các đội tham gia nhưng đến lúc này chỉ mới nhận được hơn 5 triệu đồng, số còn lại các thành viên chia nhau đóng. “Do vậy, chúng em chỉ dám mua những thiết bị không làm được còn đa phần là đồ tự chế”.

Sinh viên các trường khác cũng khó khăn khi tham gia chế tạo robocon. Sinh viên Trần Quốc Hải, bày tỏ: “Tụi em mê robocon thì theo thôi. Chứ toàn nhịn ăn để làm”. 

Mỗi đội tham gia phải góp chi phí ít nhất lên tới hàng chục triệu.


Để hoàn thành ba chú robot (chưa kể robot dự bị), Hải cùng các bạn trong đội phải chi gần 20 triệu đồng. Nhưng Hải cho biết, đội của Hải có may mắn hơn vì trước đó nhóm đăng ký nghiên cứu các đề tài khoa học cấp trường và Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật nên có tiền thưởng. “Không có những cuộc thi này, thì tụi em không có nổi khả năng tham gia sân chơi robocon”.

ĐH Bách Khoa có quy định sẽ hỗ trợ các đội đăng ký nhưng nếu không đạt phải hoàn trả chi phí lại cho trường. Tuy nhiên, theo Nguyễn Trần Hữu Nguyên, chỉ đạo viên cuộc thi Robocon của khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính thì số tiền đó không thấm tháp vào đâu và cũng không dễ nhận. Vì thế, đa số các đội tự góp tiền mua thiết bị, vật liệu. “Gần 30 triệu đồng để có đủ robot cho cuộc thi không phải là khoản tiền nhỏ với sinh viên”, anh Nguyên cho biết. 

Từ ngày 1/4 đến 10/4, vòng thi khu vực Cuộc thi robocon 2009 sẽ diễn ra tại ba địa điểm, gồm: TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội để lựa chọn các đội tham gia vòng chung kết toàn quốc diễn ra từ ngày 11/5 đến ngày 17/5 tại TP Huế. Chung kết cuộc thi Khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) dự kiến vào ngày 22/8.

Theo Báo Đất Việt
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video