Ở tuổi 29, Hồ Vĩnh Hoàng, tổng giám đốc Công ty cổ phần Robotics Tosy (đường Láng, Hà Nội), đã sở hữu Topio - robot dáng người biết đánh bóng bàn và đĩa bay Tosy - loại đồ chơi công nghệ cao đã xuất khẩu trên 10 nước.
Hồ Vĩnh Hoàng bên robot Topio 3.0 có thể đánh bóng bàn. (Ảnh: Phi Long)
Hoàng đầy mơ ước khi nói về những kế hoạch sắp tới của mình: “Từ trước đến nay nhiều nước vẫn quen nghĩ về một Việt Nam xuất khẩu gạo, cà phê, chè, cao su, một nước chuyên đi gia công, làm thuê và xuất khẩu tài nguyên thô mà thôi. Tôi muốn một ngày nào đó họ sẽ nghĩ đến Việt Nam như một địa chỉ tin cậy về sản xuất robot giá rẻ”.
Đĩa bay từ ước mơ
Hồ Vĩnh Hoàng có một tuổi thơ đam mê và khám phá. Lúc còn đi học, thay vì được bố mẹ mua đồ chơi thì cậu học trò đất Hà thành tự mày mò làm đồ chơi cho mình. Ở tuổi lên 5, “công trình sáng tạo” đầu tiên của Hoàng ra đời: chiếc canô chạy dưới nước bằng pin. Năm cuối cùng của thời học sinh ở khối chuyên toán - tin Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), một quả bóng được di chuyển bằng bộ điều khiển từ xa được Hoàng chế tạo sau ba tháng mày mò.
Đồ chơi đĩa bay mang tên Tosy dần lớn lên trong tâm trí cậu học trò năm cuối phổ thông. Đến năm 2002, khi đang là sinh viên năm 2 Đại học Bách khoa Hà Nội, Hoàng quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ và rủ thêm một số người bạn thành lập công ty. Năm 2003, Hoàng cùng đội robocon của trường đoạt giải nhất cuộc thi Robocon trong vai trò đội trưởng.
Chiến thắng không chỉ giúp Hoàng thêm tự tin mà còn có thêm những người bạn đồng hành cùng chí hướng. Chỉ một năm sau, sản phẩm đầu tiên của Tosy ra đời, đó là chiếc đĩa bay đồ chơi - tiền thân của sản phẩm đĩa bay Tosy dành cho trẻ em đang được công ty của Hoàng xuất khẩu sang Nhật, Đức, Ba Lan…
Xuất khẩu được đồ chơi đi Nhật thật sự là một cuộc vật lộn, vì phải đáp ứng hàng trăm tiêu chuẩn an toàn và kỹ thuật khắt khe. Hoàng cho biết trung tâm kiểm định của Nhật có kiểu sát hạch rất oái oăm: đặt sản phẩm vào môi trường lạnh âm 100C và nóng trên 400C, rồi bắn chiếc đĩa bay Tosy xoáy thật mạnh, sau đó dùng vật nhọn đâm vào cánh, đóng gói vào thùng cactông và thả tự do ở độ cao 50m. Chưa yên tâm, các chuyên gia Nhật còn tháo đồ chơi ra, chập hai cục pin để xem có bị nóng lên không và cử chuyên gia sang Việt Nam giám sát quy trình sản xuất trước khi ký hợp đồng phân phối tại Nhật.
Robot thương hiệu Việt
Chặng đường dài nghiên cứu cho ra đời đĩa bay Tosy là bước đệm cho Hồ Vĩnh Hoàng sáng chế một robot công phu xuất xưởng năm 2006. Phiên bản robot đầu tiên có tên gọi Topio có thể đánh bóng bàn được Hoàng mang tham gia triển lãm robot lớn nhất thế giới tại Tokyo (Nhật Bản) vào năm 2007 đã khiến nhiều người nước ngoài ngạc nhiên khi biết “cha đẻ” của nó là một bạn trẻ Việt Nam, làm tất cả các khâu từ sản xuất các chi tiết, phần mềm đến mẫu mã.
Hoàng nhớ lại: “Lúc thực hiện dự án này chúng tôi đã tìm kiếm các tư liệu trên mạng và được biết chỉ có máy đánh bóng bàn chứ chưa hề có robot có hình dáng giống người làm được. Vậy là tôi quyết tâm cho ra đời một robot có thể làm được những động tác rất khó như đánh bóng bàn”. Tại trung tâm nghiên cứu phát triển của Tosy đặt ở đường Láng (Hà Nội), Hoàng và đội ngũ kỹ sư miệt mài thử nghiệm các mẫu robot.
Sau khi robot Tosy đầu tiên ra đời thành công, những phiên bản robot tiếp theo đang dần hình thành trước khi sản xuất hàng loạt. Đó là những robot trình độ cao, tự động gắp đồ trên dây chuyền đóng gói, tự động sơn, hàn, cắt, dịch chuyển đồ vật trong môi trường nguy hiểm, độc hại của các nhà máy công nghiệp. Một loại robot khác chuyên phục vụ ở các quán ăn, nhà hàng hay giúp đỡ con người đã dần dần định hình.
Một hướng khác của Tosy được công ty Hoàng tập trung phát triển là robot phục vụ các ngành công nghiệp đòi hỏi sự chính xác cao cũng đã có những sản phẩm đầu tiên ra lò để thử nghiệm trước khi được sản xuất hàng loạt.