Các loài động vật lưỡng cư có thể phát sáng trong tự nhiên không phải là điều hiếm gặp như nhiều người từng nghĩ.
Trong một nghiên cứu được công bố ngày 27/2, hai nhà khoa học Jennifer Lamb và Matthew Davis thuộc Đại học bang St Cloud ở Minnesota (Mỹ) cho biết họ đã cho 32 loài ếch, kỳ nhông, sa giông và lươn tiếp xúc với màu xanh hoặc tia cực tím, và phát hiện ra các sinh vật này phát ra các họa tiết đầy màu sắc trong một quá trình được gọi là "phát quang sinh học". Những họa tiết này rất đa dạng từ các đốm và kẻ sọc với nhiều màu sắc như xanh lá cây, cam và vàng. Một số thậm chí có chất bài tiết qua da và nước tiểu màu xanh lục huỳnh quang.
Mô hình huỳnh quang thay đổi tuỳ thuộc vào sự đa dạng chủng loại và cơ thể của kỳ giông.
(Ảnh: cbsnews.com).
Khả năng phát quang sinh học cho phép các sinh vật phát ra ánh sáng sau khi hấp thụ năng lượng ánh sáng đầu tiên. Quá trình này xảy ra thông qua các cơ chế khác nhau nhờ sự hiện diện của các protein huỳnh quang tồn tại trong da và xương. Một số loài động vật lưỡng cư cũng có nhiễm sắc thể, hoặc chứa các sắc tố và các tế bào phản chiếu ánh sáng.
Theo các nhà khoa học, nhiều loài lưỡng cư là loài sống về đêm và chủ yếu tập trung ở các khu rừng. Do đó, khả năng phát sáng có thể giúp chúng tìm thấy nhau, do mắt của chúng chứa các tế bào hình que nhạy cảm với ánh sáng xanh lục hoặc xanh lam. Phát quang sinh học cũng có thể tạo ra sự tương phản lớn hơn giữa động vật lưỡng cư và môi trường sống của chúng, cho phép các loài động vật lưỡng cư khác dễ dàng nhận ra nhau.
Khả năng phát quang sinh học cũng được ghi nhận ở một số loài sinh vật khác, giúp chúng ngụy trang, săn mồi hay tìm kiếm bạn tình. Đơn cử như loài sứa tận dụng khả năng đặc biệt này để ngăn chặn kẻ săn mồi. Trong khi đó, ánh sáng nhấp nháy phát ra ở phần đuôi của những con đom đóm trưởng thành lại là "vũ điệu" mời gọi bạn tình của loài sinh vật này.